Mỹ: Tất cả yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-7 đã lên tiếng bày tỏ việc tiếp tục ủng hộ, giữ nguyên lập trường của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, bác bỏ gần như tất cả các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời, cũng cảnh báo Trung Quốc rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Philippnes ở khu vực Biển Đông sẽ dẫn tới việc kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.
Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ tại Biển Đông hồi đầu năm nay

Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ tại Biển Đông hồi đầu năm nay

Thông điệp cứng rắn được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra trong một tuyên bố trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày Tòa trọng tài Thường trực (PAC) ở La Haye, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông (12-7-2016).

Trước đó, vào lễ kỷ niệm 4 năm ngày ra phán quyết vào năm 2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tuyên bố ủng hộ phán quyết, coi tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông gần như là bất hợp pháp bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận. Tuyên bố năm nay đã tái khẳng định lập trường được cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra năm ngoái.

Washington coi tất cả yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận là bất hợp pháp. Ngoại trưởng Blinken nêu rõ, tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các quốc gia và có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng của thế giới. “Không nơi nào trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông” - Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc Trung Quốc tiếp tục “ép buộc và đe dọa các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, đe dọa quyền tự do hàng hải trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng này”.

“Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13-7-2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến việc kích hoạt các các cam kết phòng thủ chung của Mỹ” - Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định. Theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951, Mỹ và Philippines sẽ viện trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.

Chính sách của Mỹ nhấn mạnh rằng, các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhắc lại quan điểm khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã đề ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ mang lại lợi ích cho tất cả các nước trên thế giới.

Ông Antony Blinken cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành vi có thể đe dọa tự do hàng hải tại tuyến giao thông quan trọng của thế giới tại Biển Đông, tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng, nước này cam kết tuân thủ trật tự hàng hải quốc tế, trong đó có việc tôn trọng quyền của tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ. “Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi khiêu khích”- ông Blinken nhấn mạnh.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông và thường xuyên phản đối bất kỳ hành động nào của quân đội Mỹ trong khu vực. Trung Quốc đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển bằng cách xây dựng phi pháp các căn cứ quân sự trên các đảo. Mỹ cũng điều tàu chiến, máy bay để tuần tra và thúc đẩy tự do hàng hải.

Nhật Bản kêu gọi tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 12-7 đã ra tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về Biển Đông, đồng thời khẳng định phản đối bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông trái với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trong tuyên bố nhân 5 năm ngày PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh các bên cần tuân thủ phán quyết này, bởi đây là “phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS”. Ông Motegi khẳng định tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần phải dựa trên các điều khoản liên quan của UNCLOS. Nhật Bản một lần nữa phản đối các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trái với quy định của UNCLOS .

Nhật Bản cũng quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay, đồng thời tái khẳng định phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Theo ông Motegi, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN và các quốc gia liên quan để duy trì và tăng cường trật tự hàng hải dựa trên thượng tôn pháp luật và hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.