Mỹ lấy gì đối phó Trung Quốc khi bị cắt giảm ngân sách?

ANTĐ - Trong bài phát biểu mới đây tại Quốc hội Mỹ, Thứ trưởng quốc phòng Frank Kendall bày tỏ sự lo lắng về việc Trung Quốc sẽ tập trung những nguồn lực rất lớn vào nhiệm vụ hiện đại hóa quân sự. 

Thứ trưởng Kendall cho rằng, trong thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ còn giữ ưu thế tự tin về công nghệ trước Trung Quốc, nhưng đến khoảng 5-10 năm nữa, ưu thế này sẽ chẳng còn có vẻ gì là đảm bảo. Chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, cũng đã đưa ra nhận định về tình hình này.

Ông Kashin cho rằng, phát biểu của thứ trưởng Kendall cho thấy quá trình cắt giảm sự hiện diện quân sự toàn cầu của Mỹ đang được bắt đầu. Quá trình này đã được xác định từ trước bởi một chuỗi các sự kiện, trong đó có sự khơi mào cuộc chiến điên rồ ở Iraq, khủng hoảng kinh tế Mỹ và xu thế cạnh tranh căng thẳng với Trung Quốc.

Quân đội Hoa Kỳ có những mục tiêu xây dựng ưu tiên hoàn toàn khác trong giai đoạn đỉnh cao của cuộc chiến ở Iraq. Các chương trình tốn kém chế tạo vũ khí mới cho cuộc chiến lớn chống Nga hoặc Trung Quốc đã bị lần lượt cắt giảm. Dưới thời chính quyền George Bush, những nỗ lực to lớn đã được đưa ra nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ hạn chế sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại F-22.

Mỹ đã rút bớt chi phí trang bị cho hải quân và khép lại chương trình “hệ thống chiến đấu tương lai” (Future Combat Systems), tất cả nguồn lực được tập trung để tăng số lượng các lữ đoàn lục quân, mua sắm thiết bị đặc biệt phục vụ cuộc chiến chống du kích, ví dụ như các phương tiện bay không người lái và xe MRAP chống mìn. 

Rút khỏi Iraq và chuẩn bị rời Afghanistan dù không thu được những thành công như đã định, Mỹ một lần nữa thay đổi các mục tiêu ưu tiên về kiến thiết quân sự. Những thay đổi này xảy ra trong bối cảnh nguồn lực tài chính đầu tư cho quốc phòng vẫn rất hạn hẹp, trong khi tiềm lực tài chính của đối phương tăng trưởng đều đặn. 

Mỹ lấy gì đối phó Trung Quốc khi bị cắt giảm ngân sách? ảnh 1

Trong tương lai Mỹ sẽ phải dựa vào đồng minh để đối phó với Trung Quốc? (Ảnh minh họa)

Chỉ có câu trả lời duy nhất là phải cắt giảm quân số, tập trung tiềm năng và nguồn lực hiện tại nhằm vào đối thủ duy nhất - theo ông Frank Kendall, đối thủ hôm nay là Trung Quốc. Hiện nay, ưu thế về kỹ thuật vẫn cho phép Hoa Kỳ duy trì lợi thế vững chắc trước Trung Quốc, kể cả trong điều kiện cắt giảm đầu tư, nhưng tương lai thì không thể chắc chắn được.

Thế nhưng, hệ quả không tránh khỏi sẽ là Mỹ sẽ phải thu hẹp khả năng đối phó khủng hoảng ở nhiều khu vực trên thế giới. Một chiến dịch quân sự mới theo mô hình Iraq trong tương lai là điều không thể, không chỉ vì tình hình chính trị nội bộ ở Mỹ, mà còn đơn giản bởi sự thiếu hụt nguồn lực kỹ thuật và tài chính. Điều này cũng có thể thấy một phần quan sự “rụt rè” của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Syria cuối năm ngoái.

Mỹ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống liên minh, nhưng hiện nay các đồng minh của Mỹ một số không đủ khả năng hỗ trợ họ, ngược lại còn cần Mỹ phải trợ giúp, bảo vệ; số khác có tiềm lực nhưng lại không coi Trung Quốc là đối thủ trực tiếp của họ, thậm chí còn giữ quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự khá tốt với Bắc Kinh, nên cơ bản là Mỹ sẽ phải đơn độc trong cuộc đấu với Trung Quốc.

Mỹ sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích ở các khu vực trên thế giới bằng biện pháp ngoại giao và cung cấp vũ khí công nghệ cao cho các đối tác, tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, câu trả lời hiển nhiên và duy nhất sẽ là xây dựng hệ thống liên minh riêng để tránh sự bao vây, tìm cách chuyển hướng phần nào các lực lượng và nguồn lực của Mỹ khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương.