Mỹ - EU chạy đua nước rút cho thỏa thuận nghìn tỷ USD

ANTĐ - Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du tới Đức tham dự Hội chợ công nghiệp Hannover vào tháng 4 sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm thành lập khu vực mậu dịch tự do lớn nhất toàn cầu với trao đổi thương mại 1.000 tỷ USD.

Mỹ - EU chạy đua nước rút cho thỏa thuận nghìn tỷ USD ảnh 1Mỹ và EU đang muốn đẩy nhanh đàm phán để hoàn tất TTIP trước khi Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm vào tháng 1-2017

Ông Barack Obama là người đứng đầu Nhà trắng đầu tiên tham dự Hội chợ công nghiệp Hannover, hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới được thành lập từ năm 1947. Đại sứ Mỹ tại Đức John B. Emerson cho biết bên cạnh việc trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương, Tổng thống Obama sẽ nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo Đại sứ Emerson, ông Obama muốn kết thúc tiến trình đàm phán TTIP trong thời gian còn tại nhiệm, cho dù hiệp định thương mại tự do này hiện đang gặp nhiều trở ngại từ cả 2 phía. 

Được khởi động từ tháng 7-2013 khi mà EU chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, còn kinh tế Mỹ loay hoay phục hồi, TTIP được cả 2 bên đặt không ít kỳ vọng. TTIP được trông đợi sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng, chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại của toàn cầu (1.000 tỷ USD/năm), mỗi năm có thể làm tăng thêm từ 0,5-1% GDP cho cả 2 bên, góp phần tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm mới. Nghiên cứu của Trung tâm châu Âu ước tính, hiệp định này khi có hiệu lực có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro (tương đương 150 tỷ USD) mỗi năm và kinh tế Mỹ là 95 tỷ euro/năm.

Lợi ích mà TTIP mang lại cho Mỹ và EU là rất lớn và điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh nền kinh tế cả 2 bên đang cần có thêm những động lực quan trọng để tăng trưởng. Thế nhưng, dự định hoàn tất đàm phán TTIP vào năm 2014 như đặt ra ban đầu đã sớm phá sản ngay khi Mỹ cùng EU ngồi vào đàm phán. Vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 7-2013 đã bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản liên quan đến việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó có Cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư.

Một số ý kiến tại châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của châu lục này. Phải mất tròn 1 năm, tới tháng 7-2014, đàm phán về TTIP mới được tái khởi động sau khi EU chấp thuận việc thành lập một tòa án châu Âu mới để xem xét mọi tranh cãi nảy sinh xung quanh tất cả các hiệp định này. 

Sau 12 vòng đàm phán, EU và Mỹ đều nỗ lực đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1-2017. Hiện một số ứng cử viên Tổng thống Mỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối TTIP cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận đã được ký kết song chưa nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.