Mỹ công bố video tiêm kích Su-27 Nga xả dầu vào UAV MQ-9, trước khi ‘ác điểu’ rơi xuống biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Quân đội Mỹ vừa công bố video vụ tiêm kích Su-27 của Nga tiếp cận và xả dầu lên chiếc MQ-9 trước khi máy bay không người lái này bị rơi xuống Biển Đen.

Video do Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ công bố ngày 16/3 cho thấy một tiêm kích Su-27 tiếp cận từ phía sau bên phải chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-9 trên Biển Đen. Khi tới gần chiếc UAV của Mỹ, phi công Su-27 Nga xả luồng nhiên liệu lớn rồi bay vượt qua ngay phía trên MQ-9 Mỹ.

Luồng xả lớn từ đuôi chiếc Su-27 khiến tín hiệu hình ảnh của MQ-9 bị gián đoạn. Tiêm kích Su-27 Nga sau đó tiếp tục áp sát và xả dầu, khiến tín hiệu bị nhiễu nghiêm trọng hơn.

Camera trên UAV cũng cho thấy cánh quạt phía sau chiếc MQ-9 quay chậm dần và bị hư hại một phần sau khi tiêm kích Su-27 tiếp cận. Quân đội Mỹ cho biết tiêm kích Nga sau khi xả dầu thì đã va chạm với MQ-9, khiến cánh quạt chiếc UAV bị hỏng. Tuy nhiên phía Nga phủ nhận mọi cáo buộc trên.

Video cảnh chiếc Su-27 Nga thả dầu vào chiếc UAV MQ-9 của Mỹ

Các binh sĩ Mỹ vận hành UAV sau đó điều khiển chiếc MQ-9 từ từ lượn xuống vùng biển quốc tế phía tây nam bán đảo Crimea. Trong quá trình này, họ xóa phần mềm nhạy cảm trên máy bay để tránh nguy cơ Nga thu được bí mật quân sự, theo hai quan chức Mỹ.

Nga chưa bình luận về video do quân đội Mỹ công bố.

Lầu Năm Góc cho biết chiếc UAV chìm ở độ sâu 1.200-1.500 m ở Biển Đen, khu vực tàu chiến Mỹ hiện không thể tiếp cận. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John John Kirby nói nước này có thể không bao giờ thu hồi được xác chiếc MQ-9.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói Moscow sẽ tìm cách trục vớt xác UAV MQ-9 của Mỹ, dù tiến trình này gặp nhiều thách thức.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói Moskva

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói Moskva

"Tôi không chắc liệu chúng tôi có thu thập thành công các mảnh vỡ hay không, nhưng công việc đó phải được tiến hành. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm và tất nhiên tôi hy vọng làm được", Thư ký Hội đồng An ninh Điện Kremlin Nikolai Patrushev nói với kênh truyền hình Nga Rossiya-1.

Lầu Năm Góc nói rằng trước khi rơi, chiếc MQ-9 đang thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) thông thường trên Biển Đen. MQ-9 Reaper liên tục được Mỹ sử dụng để giám sát và theo dõi hoạt động của hải quân Nga. Sự việc không gây ra những cuộc đối đầu trên thực địa tiếp theo, nhưng khiến không quân Mỹ tổn thất ít nhất 30 triệu USD.

Hôm 15/3, tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga đăng trên Telegram video quay từ buồng lái tiêm kích Su-27 nước này, cho thấy cảnh chiến đấu cơ Nga áp sát UAV "Thần chết" MQ-9 Mỹ. Thời gian và địa điểm quay video không được tiết lộ, chưa rõ đây có phải chiếc MQ-9 bị rơi ở Biển Đen hôm 14/3 hay không.

Video do phi công tiêm kích Nga đăng quay từ buồng lái tiêm kích Su-27 cho thấy cảnh chiến đấu cơ Nga áp sát UAV "Thần chết" MQ-9 Mỹ.

Video do phi công tiêm kích Nga đăng quay từ buồng lái tiêm kích Su-27 cho thấy cảnh chiến đấu cơ Nga áp sát UAV "Thần chết" MQ-9 Mỹ.

Su-27 là một trong những dòng chiến đấu cơ chủ lực của Nga bên cạnh dòng Su-30 và Su-35, hiện nay Moscow đang sở hữu khoảng 440 chiếc với các phiên bản khác nhau, trong số này Su-27SM3 là mạnh nhất.

Su-27SM3 là cấu hình nâng cấp dành cho tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27, loại chiến đấu cơ này được ứng dụng nhiều công nghệ từ dự án Su-35, bao gồm radar và hệ thống điện tử mới, cũng như động cơ AL-31FM1 cải tiến. Phiên bản Su-27SM3 là các máy bay được sản xuất mới hoàn toàn, thay vì nâng cấp từ các tiêm kích Su-27 có sẵn trong biên chế.

Dòng Su-27SM3 được Nga xếp vào tiêm kích thế hệ 4+, có thể mang các loại vũ khí thông minh để tấn công mục tiêu mặt đất, thay vì chỉ có bom và rocket không điều khiển như phiên bản Su-27 nguyên gốc. Khả năng chiến đấu đối không của Su-27SM3 cũng được cải thiện nhờ trang bị radar mảng pha quét điện tử hiện đại, tên lửa đối không tầm xa và hệ thống tác chiến điện tử mới.