Mỹ có thể làm gì trong vụ giàn khoan Haiyang Shiyou 981?

ANTĐ - Sau hành động ủng hộ các bên tranh chấp trên biển Hoa Đông, biển Đông, với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, liệu Mỹ có thể làm gì trước việc giàn khoan của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC xâm phạm bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Chỉ mới hai tuần trước, trong chuyến công du tới châu Á, Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố đặt “giới hạn đỏ” cho nhóm đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc bằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Còn ở Philippines, ông ký một thỏa thuận 10 năm, tăng cường lực lượng quân sự tại đây. Không phải ngẫu nhiên khi Philippines và Nhật Bản đều là những nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Điểm đặc biệt trong chuyến công du châu Á mới nhất của tổng thống Mỹ còn nằm ở việc “cố tình” bỏ qua Trung Quốc. Mặc dù, ông Obama khẳng định: “Chúng tôi không quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc”. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh dường như không tin ông Obama.

Bằng chứng là không lâu sau khi Tổng thống Mỹ về nước, Trung Quốc nhanh chóng hành động mạnh mẽ hơn, khẳng định sự bành trướng của mình trong khu vực.

Ngày 3/5, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC đặt một giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức dời giàn khoan đi. Nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết cho đến thời điểm hiện tại.

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 mà CNOOC đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ảnh: globaltimes.


Truyền thông Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên chính phủ nước này nhấn mạnh rằng, các giàn khoan này nằm trong vị trí vùng biển thuộc Trung Quốc và kêu gọi Việt Nam ngừng can thiệp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhận định, các hành động của CNOOC là “khiêu khích và không giúp gì cho việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực”. Theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng rằng, Mỹ hoàn toàn không có vai trò gì trong các vụ việc của Trung Quốc.

Với vụ giàn khoan của CNOOC, thực tế Trung Quốc ngang nhiên hành động ngay tức thì, sau chuyến thăm 4 nước châu Á của ông Obama vào cuối tháng trước. Trong khi Mỹ đang bận rộn với Nga, Ukraine, những biến chuyển ở Nigeria và Syria, thì Trung Quốc ngấm ngầm “châm ngòi” điểm nóng biển Đông.

Khách quan mà nói, ý định quay lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là để cân bằng lợi ích và cũng là mục đích chính trong chuyến công du châu Á vừa rồi của ông Barack Obama. Nhưng cách tiếp cận nghiêng về các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc của Mỹ đã đẩy Bắc Kinh phải tìm đối trọng. Cam kết chưa từng có trong lịch sử của ông Obama ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền đảo với Trung Quốc thể hiện rõ quan ngại của Mỹ đối với Vùng nhận diện phòng không Trung Quốc mới thiết lập trên phía Tây biển Đông. Đối mặt với nỗi thất vọng lớn ở Syria và Crimea, Mỹ cần phải rất thận trọng với Trung Quốc trong nỗ lực cứu vãn hình ảnh.  

Cũng phải nói thêm rằng, thương vụ 19 tỷ USD mua lại tập đoàn dầu khí Nexen Canada của CNOOC năm 2013, có thể sẽ là một chìa khóa nặng ký trong tay Mỹ vào lúc này. CNOOC hy vọng sẽ nhanh chóng thâu tóm Nexen trong bối cảnh các công ty Canada chuẩn bị xây dựng những đường ống dẫn dầu mới để vận chuyển nhiên liệu hóa thạch từ nước này sang châu Á. Tuy nhiên, công ty Nexen không chỉ có tài sản ở Canada, mà còn có nhiều trên vùng Vịnh Mexico của Mỹ. Thỏa thuận của CNOOC và Nexen cần được các cơ quan chức năng Mỹ thông qua. Bởi vậy, nếu CNOOC thực sự cương quyết với giàn khoan “lãnh thổ di động” của mình, Văn phòng Liên bang Quản lý Năng lượng Đại dương Mỹ hoàn toàn có thể áp dụng giám sát đặc biệt khi CNOOC và các đối tác xin giấy phép để thực hiện việc khai thác dầu ngoài khơi bờ biển Mỹ.