Mỹ có "Bom mẹ" hủy diệt, nhưng Nga có "Bom cha" mạnh gấp 4 lần

ANTD.VN - Trong khi bom khổng lồ phi hạt nhân GBU-43B (MOAB) của Mỹ được đánh giá là “Mẹ của các loại bom” với sức công phá tương đương 11 tấn thuốc nổ TNT thì bom FOAB của Nga lại được coi là “Bom cha”, có sức mạnh gấp 4 lần “Bom mẹ”.

Hôm 13-4, chính phủ Mỹ đã công bố đoạn video đen trắng về sức hủy diệt của loại bom mang tên GBU-43B, MOAB, hay còn được gọi với biệt danh là “Mẹ của các loại bom”, khi quân đội nước này lần đầu thả xuống vùng Nangarhar của Afghanistan, tiêu diệt được 36 tay súng IS và phá hủy nhiều đường hầm, hang động của tổ chức khủng bố này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự, GBU-43B chưa là gì so với FOAB – quả bom nhiệt áp của Nga, khi mà trọng lượng của nó nhỏ hơn nhưng sức công phá lại gấp 4 lần.

"Bom cha" FOAB có sức công phá mạnh gấp 4 lần "Bom mẹ" MOAB (GBU - 43B)

FOAB được mệnh danh là “Bom cha”, dù chỉ nặng hơn 7 tấn nhưng FOAB của Nga lại có bán kính phá hủy khoảng 300 m (GBU-43B chỉ là 137m) và sức mạnh tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT, gấp 4 lần sức mạnh của loại bom GBU-43B của Mỹ. Nó có khả năng sát thương, hủy hoại trong diện tích rộng gấp 20 lần so với “Bom mẹ”.

FOAB không có tên chính thức, chỉ được đặt theo AVBPM - viết tắt của Bom chân không tăng cường sức công phá. Nó được người Nga chế tạo và thử nghiệm tháng 11-2007, 4 năm sau khi Mỹ cho ra đời MOAB.

Mỹ có "Bom mẹ" hủy diệt, nhưng Nga có "Bom cha" mạnh gấp 4 lần ảnh 3

Vụ nổ trong khi thử nghiệm bom FOAB năm 2007 tại Nga

Đoạn video thử nghiệm FOAB trên truyền hình Nga vào thời điểm bấy giờ cho thấy FOAB được thả từ một chiếc dù trắng. Nó phát nổ khi rơi gần mặt đất, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ như một vụ nổ bom nguyên tử. FOAB hoạt động trên nguyên lý đốt cháy hỗn hợp không khí và chất nổ bên trong bom, tạo ra các sóng cực mạnh, cực nhanh tiêu diệt được mục tiêu.

Sau khi bom được thả ra ngoài không trung, sau một thời gian nhất định sẽ được kích hoạt, tạo ra một đám mây dày đặc chất nổ mạnh. Bụi khí thuốc nổ trộn với không khí tạo thành một hỗn hợp cháy nổ rất mạnh, được kích nổ bằng bộ phận nổ mồi.

Video thử nghiệm bom FOAB năm 2007 tại Nga

Hỗn hợp tạo thành một đợt sóng xung kích có áp suất dư lên đến 3.000 kPa (30 kg/cm), hình thành tâm vụ nổ là môi trường hoàn toàn chân không. Chênh lệch áp suất này có thể phá hủy hoàn toàn những gì nằm trong khu vực nổ, biến mặt đất thành khu vực đen cháy.

Cũng giống như MOAB, FOAB không phải là bom hạt nhân nhưng hậu quả nó để lại được so sánh với hậu quả của một vũ khí hạt nhân được triển khai. FOAB đang được coi là vũ khí phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí của Nga và cũng là lớn nhất thế giới.