Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng- đồng minh bị ảnh hưởng lớn?

ANTĐ - Những tác động to lớn của kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của chính phủ Mỹ, đã có hiệu lực từ ngày 1-3, sẽ vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ, ảnh hưởng đến mọi vấn đề từ tài trợ cho các quân đội nước ngoài đến kế hoạch xuất khẩu vũ khí dài hạn của Mỹ sang châu Âu, châu Á và khu vực Trung Đông.

Việc Bộ Quốc phòng Mỹ bị cắt giảm tới 46 tỷ USD ngân sách trong năm tài khóa 2013, tương đương với 8% của ngân sách năm tài khóa 2012-2013 được dự trù là 614 tỷ USD, chắc chắn sẽ làm suy yếu những cam kết huấn luyện và hợp tác của Mỹ với các đồng minh. Những nỗ lực tiếp cận quốc tế của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng do bộ quốc phòng nước này có kế hoạch cắt giảm thêm ngân sách phi chiến tranh như: mua sắm, nghiên cứu và phát triển, để trang trải cho các hoạt động quân sự tại Afghanistan, mặc dù các hoạt động tại đây cũng phải cắt giảm chi tiêu.

Việc này đã làm gia tăng mối quan ngại trong các nước đồng minh về những cắt giảm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc bàn giao vũ khí và trang thiết bị quân sự do các nhà sản xuất Mỹ chế tạo.

Theo các chuyên gia, kế hoạch cắt giảm này có thể trì hoãn việc thông qua các đơn hàng xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Do 800.000 nhân viên dân sự tại Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với việc nghỉ phép không lương, nhiều cơ quan chuyên trách xử lý yêu cầu và bán vũ khí cho nước ngoài sẽ có ít công nhân làm việc hàng ngày hơn. Ngay cả khi đơn hàng đang được thực hiện thì việc nhân viên dân sự nghỉ phép cũng có thể làm chậm quá trình giao hàng.

Cắt giảm NSQP sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35

Nhiều nước đồng minh cũng đã đặt ra những câu hỏi về việc cắt giảm ngân sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Joint Strike Fighter. Hiện có 8 quốc gia góp vốn phát triển chương trình máy bay chiến đấu do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo này và các quốc gia khác, gồm Israel và Nhật Bản, đang trong quá trình đàm phán mua loại máy bay này.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11-2, kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ cắt giảm khoảng 500 triệu USD tiền hỗ trợ an ninh. Và như vậy, hơn 150 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng tùy vào từng mức độ.

Trong số 500 triệu USD này, 300 triệu USD sẽ bị cắt giảm từ tiền tài trợ, viện trợ hoặc các khoản cho vay quân sự nước ngoài mà Mỹ cung cấp cho các quốc gia để họ có thể mua vũ khí do Mỹ chế tạo. Theo đó, Israel, Jordan và Ai Cập có thể bị cắt giảm hỗ trợ nhiều nhất.

“Kế hoạch cắt giảm này sẽ được cảm nhận rõ ở trong nước, dẫn đến thiệt hại trong bán hàng đối với ngành công nghiệp Mỹ và nguy cơ làm mất việc làm của Mỹ”, Ngoại trưởng John Kerry cho biết trong một bức thư hôm 11-2 gửi nữ chủ tịch Ủy ban mua sắm Thượng viện Barbara Mikulski.

20 triệu USD khác sẽ bị cắt giảm từ các sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế và 35 triệu từ những nỗ lực "chống khủng bố, ngăn chặn vũ khí nguy hiểm rơi vào tay kẻ xấu và giám sát việc tiêu hủy an toàn các loại vũ khí thông thường."

Chính phủ các nước cũng đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch cắt giảm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự hợp tác quân sự của họ với Bộ Quốc phòng Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ thường xuyên tham gia vào nhiệm vụ hợp tác và huấn luyện ở trong và ngoài nước, từ diễn tập cứu trợ nhân đạo đến huấn luyện tác chiến đặc biệt.

"Việc cắt giảm này có thể tác động không chỉ đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của chúng tôi, mà còn đến vai trò mà chúng tôi giữ liên quan đến sự sẵn sàng chiến đấu của NATO," cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói trong một cuộc họp báo hôm 22-2 tại trụ sở NATO ở Brussels.

Các quan chức Mỹ đã cho rằng những ảnh hưởng của việc cắt giảm này nói chung sẽ rất có thể nguy hại đối với quân đội Mỹ. Trong khi việc cắt giảm ngân sách trong năm tài khóa 2013 của Bộ Quốc phòng Mỹ là khoảng 46 tỷ USD, thì tổng số tiền cắt giảm trong 10 năm là khoảng 500 tỷ USD so với số tiền chi tiêu theo kế hoạch.

Nếu cắt giảm chi tiêu trong dài hạn, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng họ sẽ cần phải nghiên cứu lại chiến lược quân sự rộng lớn của họ, chiến lược này kêu gọi tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong năm 2012, Lầu Năm Góc đã tiến hành hơn 170 cuộc diễn tập quân sự ở Thái Bình Dương.

Lầu năm góc bị cắt giảm tới 46 tỷ USD ngân sách trong năm tài khóa 2013

Theo AP, sẽ không có tác hại “nặng nề và rõ nét” đến chính sách chuyển trọng tâm của Mỹ tại Châu Á: Quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngân sách quốc phòng vẫn duy trì ở mức trên 500 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020, cao hơn gấp ba lần nỗ lực tài chính được thẩm định của Trung Quốc.

Washington vẫn tiến hành chiến lược thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với châu Á song song với hợp tác quân sự. Kế hoạch đưa lực lượng Hải quân đánh bộ tới Australia sẽ tiếp diễn. Kể từ tháng 4 tới, Singapore sẽ tiếp đón lực lượng tàu tuần duyên của Mỹ và càng ngày sẽ có nhiều đơn vị Mỹ luân chuyển đến Philippine.

Tuy vậy, theo AP, quân đội Mỹ rất có thể sẽ phải giảm bớt chương trình tập trận chung, các phi vụ và hải vụ trong vùng châu Á.