Mỹ bận rộn củng cố lại quan hệ tại châu Á

ANTĐ - Sau chuyến thăm bất ngờ nhằm khẳng định quan hệ đối tác chiến lược với Afghanistan của Tổng thống Mỹ Barack Obama, các quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng bận rộn với lịch trình “cài đặt” lại quan hệ với một loạt các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ đồng minh với Afghanistan bị sứt mẻ sau một loạt biến cố đã được thu xếp êm đẹp với việc ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược kéo dài 10 năm, đánh dấu một “chương mới” trong quan hệ của Mỹ với quốc gia Trung Á này.

Mỹ cũng bận rộn với việc “hâm nóng” và “củng cố” quan hệ với những đối tác cũ trong khu vực châu Á. Trong hai tuần vừa qua, Mỹ đã có các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ trong khu vực châu Á khi họ tìm cách nhen nhóm lại quan hệ thân thiết với Nhật, Ấn Độ trong khi lại hay gặp khúc mắc với Trung Quốc. Trong chuyến thăm trước đó vào năm 2011, bà Clinton đã kêu gọi New Delhi có vai trò toàn cầu lớn hơn nữa và nói rằng quan hệ Mỹ - Ấn có thể định hình nên cả thế kỷ 21 này. Tuy nhiên, sự thúc đẩy này đã bị hãm lại khi một số nhà lập pháp của Mỹ lần đầu tiên trong nhiều năm đã chỉ trích Ấn Độ vì họ có ý định mua dầu từ Iran. "Quan hệ Mỹ - Ấn thật sự đã bị thả nổi và giữa hai phía đều có cảm giác lo lắng, nhưng thực thế là những điều thật sự đưa chúng tôi tới gần nhau nhất trong thời gian tới là chính những lo ngại về tình hình Đông Á" - ông Twining, nhà hoạch định chính sách của châu Á trong thời kỳ Bush, nói. 

Tuần này, ngay sau cuộc hội đàm quan trọng với Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Ấn Độ sau khi dừng chân ở Bangladesh. Bà Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng có cuộc hội đàm chung với các người đồng nhiệm Philippines vào thứ hai tới. Đây là một dấu hiệu cho thấy quan hệ đồng minh giữa hai bên đang được củng cố.

18 tháng trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Hà Nội, việc Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố ủng hộ giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng các luật pháp quốc tế đã làm sứt mẻ mối quan hệ vốn không “thuận buồm xuôi gió” từ nhiều năm qua giữa Mỹ-Trung Quốc. Năm ngoái, Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại châu Á -Thái Bình Dương thông qua việc triển khai với 2.500 lính thủy quân lục chiến tới Darwin, Australia và điều tàu chiến tới Singapore,... càng làm mối quan ngại của Bắc Kinh gia tăng. 

Sau nhiều lần thảo luận, Mỹ cuối cùng cũng đồng ý di chuyển 9.000 binh lính ở căn cứu quân sự tại Okinawa. Đây là vấn đề gây cản trở chính trong mối quan hệ giữa hai đồng minh Thái Bình Dương giữa Washington-Tokyo trở về đúng quỹ đạo vốn có. Kurt Campbell - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á cho biết thỏa thuận trên sẽ giải quyết “các vấn đề về liên minh Mỹ - Nhật” nổi lên trong những năm qua khi chính quyền Nhật có những sự chuyển giao. Chuyến thăm mang nặng tính biểu tượng kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tới Mỹ vừa kết thúc hôm 2-5 cho thấy hai bên đã sẵn sàng xây dựng liên minh Mỹ-Nhật trở thành “hòn đá tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. 

Đặc biệt, trước khi tham dự gala chiêu đãi các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã tiến hành gặp gỡ với các quan chức Philippines nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng-ngoại giao đầu tiên giữa hai nước. Nhiều khả năng, một thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai căn cứ quân sự tạm thời trên lãnh thổ Philippines sẽ được thông qua, đánh dấu cho sự trở lại của quân đội Mỹ sau khi 2 căn cứ chính tại Subic và Clark bị đóng cửa cách đây 20 năm. 

Theo các nhà quan sát, không ngạc nhiên khi 6 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 bắt đầu, chính quyền của ông Obama gấp rút “cài đặt” và “củng cố” quan hệ với các nước trong khu vực châu Á. Đảng Dân chủ đang phải hứng chịu chỉ trích từ Đảng Cộng hòa về việc chưa đưa ra được một chính sách an ninh hợp lý sau khi cắt giảm gần 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng. Tăng cường sự hiện diện ở châu Á mà không cần phải tiến hành các cuộc chiến tốn kém là một toan tính hợp lý về quân sự của Washington trong thời điểm này. Những hoạt động trong 2 tuần gần đây đã phát đi tín hiệu thân thiện vừa trấn an các nước châu Á có thể trở thành đồng minh và đối tác của Mỹ trong tương lai, vừa giúp ông Obama nâng cao được uy tín trong mắt của các cử tri gốc Á, vốn chiếm một số phiếu không nhỏ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới.