Muốn giảm mạnh giá gas nhưng không được vì phải tuân thủ quy định

ANTD.VN - Ngày 22-3, Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp về Nghị định kinh doanh khí (Nghị định 19/2016/NĐ- CP) đang được sửa đổi. 

Dự thảo Nghị định về kinh doanh gas vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Ông Trần Trọng Hữu- Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 107 về kinh doanh gas. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên liên quan đến lĩnh vực này. Sau hơn 6 năm thực hiện, để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, năm 2016, Nghị định 19/2016/NĐ-CP ra đời, thay thế Nghị định 107.

Mới có hiệu lực từ 1-6-2016 nhưng đến nay, Nghị định 19 lại tiếp tục được sửa đổi. “Trong mấy năm mà Nghị định sửa đổi 3 lần. Doanh nghiệp cần thời gian, quy định ổn định để kinh doanh. Bản thân các sở ngành địa phương cũng khó thực hiện khi quy định thay đổi liên tục”- ông Trần Trọng Hữu nói.

Đáng chú ý, do thói quen làm việc "ngồi bàn giấy" nên có những quy định không đúng với thực tiễn. Chẳng hạn quy định phải có kho chứa khí CNG (khí nén thiên nhiên được khai thác từ các mỏ khí tự nhiên), nhưng loại khí này hoàn toàn không cần kho chứa. Chỉ khí hóa lỏng LPG (gas) mới cần kho chứa.

Chia sẻ về những vướng mắc trong hoạt động kinh doanh gas, ông Nguyễn Văn Giám- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vật tư, thiết bị dầu khí Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp gas đang gặp rắc rối với thủ tục đăng ký giá bán.

Cụ thể, mỗi tháng doanh nghiệp phải đăng ký giá bán 1 lần với cơ quan chức năng nhưng giá gas cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước có thể thay đổi từng ngày. Việc áp giá cố định trong 1 khoảng thời gian làm giảm cạnh tranh.

“Mặt khác, chi phí kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, với mỗi khách hàng là khác nhau. Người bán bình gas cho ông hàng xóm chi phí phải thấp hơn người bán gas cho khách cách 5-7km.

Quản lý nên để doanh nghiệp cạnh tranh. Hiện tại giá bán sau mỗi lần đăng ký điều chỉnh chỉ được dao động trong phạm vi 3%, nhiều khi doanh nghiệp muốn giảm giá sâu hơn cũng không được vì cơ quan quản lý cho rằng bán giá thấp để lách thuế, mà khoản 8 Điều 57 của dự thảo vẫn đề cập đến việc thương nhân đầu mối tuân thủ giá bán, chắc chắn vấn đề giá gas vẫn như cũ”- đại diện doanh nghiệp bức xúc.

Các ý kiến tại hội thảo đi theo 2 luồng trái ngược, khi các doanh nghiệp kinh doanh gas đã đầu tư bài bản trước đó cho rằng dự thảo sửa đổi điều kiện cho chứa, vỏ bình gas... sẽ gây thiệt hại cho họ, còn các doanh nghiệp nhỏ lại hưởng lợi vì khó đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh.