Mục tiêu xa vời

ANTĐ - Vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân lại nóng lên khi các nghị sĩ và chuyên gia đến từ 75 nước bắt đầu cuộc thảo luận làm thế nào để biến mục tiêu thế giới không vũ khí hạt nhân trở thành hiện thực.

Kho chứa bom hạt nhân tại căn cứ không quân Barsdale của Mỹ

Đây là hoạt động thường xuyên của Tổ chức Các nghị sĩ vì giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân (PNND). Được thành lập năm 2003 theo sáng kiến của các quốc gia tầm trung và Viện An ninh toàn cầu của Liên hợp quốc, PNND là mạng lưới quốc tế gồm 800 nghị sĩ quốc hội của 75 nước cùng chung mục tiêu loại trừ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả chưa khả quan.  

Vấn đề lớn nhất là dù đã cắt giảm nhưng kho vũ khí hạt nhân vẫn còn quá lớn, đủ sức hủy diệt Trái đất nhiều lần. Niên giám thường niên phân tích sự phát triển của lực lượng vũ trang, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế mà Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 4-6 vừa qua cho biết 5 quốc gia được công nhận sở hữu hợp pháp vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh hiện vẫn còn trong kho 19.000 vũ khí hạt nhân. Trong số đó, 2.000 vũ khí được giữ trong tình trạng sẵn sàng hoạt động cao.

Vấn đề thứ hai là những bất cập trong thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Được ký ngày 1-7-1968 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-3-1970, NPT là công cụ quan trọng nhất kiểm soát kho vũ khí hủy diệt trên thế giới, ngăn chặn chạy đua vũ trang hạt nhân và đi tới việc giải trừ quân bị. NPT quy định 5 quốc gia được sở hữu vũ khí hạt nhân có nghĩa vụ giải trừ bớt kho vũ khí hạt nhân của mình. Các quốc gia còn lại bị nghiêm cấm có loại vũ khí này bằng mọi con đường.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn có thể thấy là không có thời hạn cụ thể nào được đặt ra cho việc giải trừ quân bị. Trong khi các quốc gia có vũ khí hạt nhân có vẻ miễn cưỡng đối với việc tháo dỡ, phá hủy kho vũ khí của mình, thì các quốc gia không có vũ khí hạt nhân lại bất bình với sự không công bằng khi người thì có quyền, người thì không có quyền tiếp cận vũ khí hạt nhân. Sự thiếu công bằng này đương nhiên không thể là cơ sở để có được sự ổn định và tiếp tục ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Chính vì kẽ hở này mà mặc dù giảm số lượng vũ khí hạt nhân nhưng các quốc gia có vũ khí hạt nhân lại phát triển những phiên bản vũ khí tinh vi hơn, các hệ thống phóng vũ khí hạt nhân hiện đại hơn. Chưa hết, các đối thủ luôn tìm cách vô hiệu hóa đối phương, mà điển hình nhất là kế hoạch triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Mặc dù Mỹ trấn an rằng “lá chắn” tên lửa này chỉ nhằm chống lại nguy cơ từ Iran, song Nga khẳng định các tên lửa đánh chặn của Mỹ có thể sẽ làm vô hiệu hóa vai trò răn đe của kho vũ khí hạt nhân mà Nga có trong tay. 

 Năm 1960, Tổng thống Mỹ J. Kennedy cảnh báo sẽ có khoảng 20 quốc gia có vũ khí hạt nhân trong vòng không đầy một thập kỷ nữa. Điều đó đã không xảy ra và hiện chỉ có khoảng 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân. Những nỗ lực song phương và đa phương đã góp phần đưa NPT vào thực hiện. Số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hay theo đuổi những chương trình phổ biến vũ khí đã giảm đáng kể so với những năm 1960, 1970 và 1980. Tuy nhiên, mục tiêu lớn “thế giới không vũ khí hạt nhân” vẫn còn rất xa vời.