Mục đích của Nga khi không kích tại Syria là gì?

ANTĐ - Moscow đã khởi động chiến dịch không kích hàng loạt nhắm vào các tổ chức khủng bố Hồi giáo tại Syria trong tuần qua. Vậy mục đích thực sự của nước này là gì? Vì hòa bình thế giới hay lợi ích của riêng mình? 

Andrey Sushentsov -chuyên gia chính trị thuộc Viện Quan hệ quốc tế Quốc gia Moscow cho rằng, việc Nga đưa binh sĩ, vũ khí, máy bay vào Syria, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Assad mục đích chủ yếu là để bảo vệ chính bản thân mình khỏi sự mở rộng lan tràn của IS tới miền Bắc Caucasus và Trung Á. Tất cả những gì nước này làm là vì lợi ích dân tộc. 

Mục đích của Nga khi không kích tại Syria là gì? ảnh 1Nga không kích tại Syria là nhắm tới lợi ích quốc gia

Ông nói: “Theo ước tính của Moscow, trong số 70.000 các chiến binh thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có tới 5.000 người là người Nga và CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập gồm các quốc gia thành viên cũ của Liên bang Xô Viết). Vì thế để ngăn chặn mầm mống các chiến binh này trở về nước, đào tạo tân binh, gây bất ổn, Moscow đã tiến hành không kích diệt tận gốc IS tại Damascus”.

Với nguồn lực quân sự vững mạnh, Moscow có thể duy trì cam kết quét sạch IS hiệu quả và lâu dài tại Damascus bất chấp sự chỉ trích của Mỹ và một số nước phương Tây. Vị chuyên gia tin rằng, người Nga có thể hoàn thành “chiến lược tinh vi”  tại Syria, bởi vì nước này đã từng đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt xung đột ở Georgia, Moldova, Tajikistan, trong những năm 1990, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Khi tham chiến tại Syria, Moscow sẽ đạt được một số lợi ích quốc gia bao gồm, đạt được mục tiêu chống khủng bố tràn tới miền bắc Caucasus, tăng cường hợp tác quân sự và năng lượng với Damascus, thể hiện sức mạnh quân sự, khẳng định vị thế của mình trong khu vực Trung Đông đồng thời khoe những vũ khí và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất.

Mặc dù vậy, nước Nga cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong cuộc chiến tại Syria, đặc biệt là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tồi tệ. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh cáo sẽ bắn hạ nếu các máy bay Nga tiếp tục xâm phạm không phận nước này. 

Một thách thức khác là Nga có thể bị mắc kẹt ở Syria, giống như tình trạng của Liên Xô tại Afghanistan những năm 1980. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ quá khứ, Moscow đã cân nhắc cẩn thận, thỏa thuận với các đồng minh và có kế hoạch rút lui rõ ràng trước khi không kích tại Syria.

Bên cạnh đó, Moscow cũng đã “khôn ngoan” tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến Damascus bằng cách liên kết với các nhà lãnh đạo Sunni cùng nhau chống khủng bố, đảm bảo lợi ích quốc gia.