Mua thuốc qua livestream trên mạng xã hội - 'tiền mất, tật mang'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên mạng xã hội, việc một số cá nhân livestream, quảng cáo bán thuốc (theo quy định phải có bác sĩ kê đơn) đang diễn ra khá phổ biến. Không ít bệnh nhân đã mua thuốc về dùng sau khi xem live stream để rồi vớ phải quả đắng.

Trong khung giờ vàng, chỉ cần vài phút vào mạng xã hội TikTok, Facebook chúng tôi có thể dễ dàng tìm thấy hàng chục tài khoản đang livestream, rao bán thuốc (đặc biệt là thuốc y học cổ truyền), thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Tại các phiên livestream, người mua sẽ để lại các bình luận về triệu chứng, dấu hiệu bệnh, hỏi về thuốc. Người bán lần lượt giới thiệu các loại thuốc, công dụng của sản phẩm, thậm chí thổi phồng tác dụng của chúng. Các sản phẩm sẽ được gắn vào link, TikTok shop để người mua đặt hàng. Hậu quả là có không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã bỏ ra hàng triệu đồng mua thuốc y học cổ truyền về uống và phải nhập viện vì vừa không đúng chỉ định, vừa do thuốc kém chất lượng.

Có thể nói, việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện đang nở rộ và là xu hướng tất yếu song lại chưa được quy định tại Luật Dược năm 2016. Do đó, tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc; kinh doanh dịch vụ tư vấn sử dụng thuốc; kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử… và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên.

Livestream quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng đang diễn ra khá phổ biến trên mạng (ảnh minh hoạ)

Livestream quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng đang diễn ra khá phổ biến trên mạng (ảnh minh hoạ)

Với phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, Dự thảo nêu rõ, các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép đáp ứng điều kiện kinh doanh dược. Cơ sở bán lẻ thuốc tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua và vận chuyển thuốc theo quy định.

Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.

Phân tích về đề xuất trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc Bộ Y tế đề xuất cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream trong Luật Dược sửa đổi là cần thiết vì khi cung cấp những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, kinh doanh buôn bán thuốc là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nghĩa là phải có giấy phép, có địa điểm. Nhưng khi được bán qua mạng, các thông tin về chủng loại, tác dụng thuốc và mức độ chính xác của nó rất khó kiểm tra, kiểm chứng.

Ngoài ra, việc bán thuốc trên mạng xã hội và qua livestream có thể tiếp cận đến hàng chục, hàng trăm nghìn người. Nếu những thông tin về sản phẩm không chính xác, sai lệch có thể gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Hơn nữa khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, là hàng hóa khác với các loại hàng hóa khác. Việc livestream chỉ thích hợp với việc giới thiệu thuốc.

“Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán thuốc online. Đề xuất cấm cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream; chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website là đúng đắn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần ổn định thị trường kinh doanh thuốc online hiện nay” - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.