Mùa lạnh, đề phòng bệnh cúm cho trẻ em

ANTD.VN - Mùa đông lạnh, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển và gây bệnh cúm mùa. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm cúm do sức đề kháng còn kém...

Khi trẻ bị cúm, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc vì có thể phản tác dụng

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Cảm lạnh và cúm là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau, mặc dù 2 bệnh có những triệu chứng tương tự nhau. Cảm lạnh thường xuất hiện chậm với triệu chứng như đau, ngứa cổ họng, hắt hơi và chảy nước mũi có chất nhầy, sau đó chất nhầy đặc lại, có thể chuyển sang màu xám, vàng, xanh... Triệu chứng phổ biến khác như ho, đau đầu nhẹ, chảy nước mắt, mệt mỏi và nghẹt mũi.

Các triệu chứng của cảm cúm xuất hiện nhanh và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức toàn thân; ho khan, chảy nước mũi, ớn lạnh, đau họng, sưng hạch, đau đầu nghiêm trọng, khó chịu... Ở trẻ sơ sinh và dưới 2 tuổi, cảm cúm có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa...

Không tự ý mua thuốc cảm cúm 

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết các loại thuốc không cần kê toa, có thể dễ dàng mua ở hiệu thuốc để giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho... không có hiệu quả với trẻ dưới 6 tuổi, thậm chí gây tác dụng phụ. Nếu trẻ dưới 6 tuổi, hãy dùng thuốc có thành phần acetaminophen (thuốc giảm đau hạ sốt) hoặc ibuprofen (thuốc chống viêm không steroid) dành riêng cho trẻ.

Không tự ý dùng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn, nhưng bệnh cảm lạnh và cảm cúm lại là do virus, một loại vi trùng hoàn toàn khác với vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không chỉ không hiệu quả với việc trị bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm, nó còn gây các tác dụng phụ như tiêu chảy và ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn gây bệnh có thể tiến hóa và kháng thuốc làm cơ thể trẻ dễ rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm bệnh nặng hơn.

Cần tiêm vaccine phòng cúm

Cả người lớn và trẻ em rất cần tiêm vaccine phòng cúm. Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) của Mỹ khuyến cáo, mọi người nên tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần (bắt đầu từ 6 tháng tuổi). Trẻ em dưới 5 tuổi rất dễ bị cảm lạnh hoặc cúm và có nguy cơ cao bị các biến chứng liên quan đến cảm cúm nghiêm trọng như viêm phổi. 

Trẻ mắc cúm cần chăm sóc đúng cách

Khi trẻ bị cúm, hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt từ 38 độ C bằng paracetamol đơn chất với liều 5 - 10mg/kg cân nặng cơ thể mỗi 4 - 6 giờ kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết. Tuyệt đối không được sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ.

Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh. Tăng cường những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp dinh dưỡng, sữa nóng… Đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy bệnh trầm trọng hơn, trẻ bỏ ăn, quấy khóc nhiều, đặc biệt là sốt cao liên tục không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực.

Phòng bệnh cho trẻ: Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch; Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp; Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người; Che miệng khi ho; Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ.