Mùa hè, cảnh báo sự mất an toàn trong các bể bơi

ANTD.VN - Những tháng đầu mùa hè năm 2019, trên địa bàn cả nước và thành phố Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm, trong đó nạn nhân chủ yếu là trẻ em và nơi xảy ra lại là những bể bơi luôn có đông người...

Trước tình trạng trên, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã tìm hiểu nguyên nhân xảy ra các vụ đuối nước và tham khảo ý kiến lực lượng cứu nạn, cứu hộ để đưa ra cảnh báo cho người dân.

Đuối nước ở bể bơi không còn là chuyện hy hữu

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết Khoảng 16h42, ngày 2-7, tại bể bơi tòa nhà L4 - Ciputra - phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Trong khi một bé gái đang bơi, bất ngờ bị hút tay vào đường ống hút cặn của bể bơi không rút ra được. Bé gái gặp nạn là cháu Nguyễn Hằng A (5 tuổi, trú tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm).

Bé  gái bị mắc kẹt tại bể bơi đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH  - CATP Hà Nội kịp thời xử lý

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ và CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhanh chóng phối hợp đục phá bê tông cắt ống nước hút cặn bể bơi để cứu cháu bé bị mắc kẹt vì cánh tay không rút ra được, rồi đưa đến bệnh viện xử lý.

Trước đó, ngày 12-6, tại Công viên nước Thanh Hà, quận Hà Đông, Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, một bé trai bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Tiếp đến, khoảng 18h15 ngày 24-6, tại bể bơi khách sạn Sông Trà, TP Quảng Ngãi đã xảy ra vụ đuối nước làm hai cháu bé tử vong. Người dân cho biết, bể bơi tại khách sạn Sông Trà khá rộng, có khu vực nước nông dành cho trẻ em và nước sâu dành cho người lớn. Tuy nhiên, hai khu vực này không có rào phân cách. Bảo vệ được phân công trực ứng cứu đã lơ là, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Những vụ tai nạn trên cho thấy, trách nhiệm của người lớn và ngay cả đối với các phụ huynh có con em bơi lội cũng chưa được quản lý chặt chẽ, thậm chí nhiều người còn xem nhẹ việc trang bị kiến thức kỹ năng hoạt động dưới nước cho con trẻ.

Ai cũng biết, bể bơi là nơi có rất đông người hoạt động, thế nhưng sự hỗn loạn ở dưới nước rất khó kiểm soát. Chỉ cần sơ suất là dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và đối với trẻ em thì chỉ trong tích tắc sơ ý, đã có thể bị đe dọa đến tính mạng ngay cả đối với trẻ biết bơi.

Tận mắt chứng kiến bể bơi mùa hè mới thấy tiềm ẩn nguy cơ gặp tai nạn đối với trẻ nhỏ, nếu bố mẹ đưa con đi bơi, nhưng lại ngồi trên bờ chăm chú "lướt" điện thoại, hay tại nhiều bể bơi thiếu sự hướng dẫn, lắp biển cảnh báo độ sâu mực nước… “Chỉ một va chạm đối với trẻ em ở dưới nước, chúng có thể bị hoảng loạn, uống nước bể dẫn đến ngạt nước gây nguy hiểm tính mạng” - môt cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ cảnh báo.

Cần trang bị kỹ năng dưới nước cho con trẻ

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các khu chung cư cao cấp có rất nhiều bể bơi người lớn, bể trẻ em đặt ở gần nhau. Tuy nhiên, điều cần là thiết lập hàng rào an toàn cho trẻ em, để chúng không tự ý sang bể người lớn thì hầu như không có. Trong khi đối với nhiều trẻ em cứ nhìn thấy nước là lao xuống, không cần biết nông, sâu. Điều này đã xảy ra ở một số nơi, dẫn đến hậu quả khôn lường. Ngoài ra, còn phải kể đến việc tại nhiều bể bơi, tổ bảo vệ sơ cứu ít người, bể rộng nên khó quan sát, bao quát toàn bộ để phát hiện, xử lý đuối nước.

Sự hỗn loạn của bể bơi đông người có thể dẫn đến nguy hiểm cho trẻ em

“Việc quan trọng nhất là trang bị kiến thức kỹ năng chống đuối nước cho trẻ, và phải luôn để mắt khi cho con xuống nước. Các bể bơi phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và thường kiểm tra, nhằm phát hiện các dị vật hoặc nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ, có biện pháp khắc phục” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho biết.

Nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ đơn giản, mực nước bể vầy đến đầu gối trẻ em khó làm trẻ bị đuối nước. Điều này sai hoàn toàn, bởi trong khi tắm trẻ có thể gặp nhiều nguy cơ rủi ro, ví dụ: khi bé bị ngã chưa kịp đứng dậy, bị đám đông hỗn loạn dẫm đạp có thể gây ngạt nước và tử vong.

Theo chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, nguyên tắc bất di, bất dịch đối với trẻ nhỏ là cần được trang bị đầy đủ kỹ năng bơi lội, cũng như các cách sơ cứu đơn giản khi gặp sự cố. Việc con trẻ học bơi là biện pháp tự cứu mình trong trường hợp bất khả kháng ở dưới nước.