Mua đất trên giấy - Mồi trong... bẫy chuột

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, cơ quan công an khám phá hàng loạt vụ án lừa đảo liên quan tới vấn đề kinh doanh bất động sản (BĐS) và báo chí cũng tốn không ít giấy mực cho vấn đề này. Thế nhưng, những “cơn lốc” mạo hiểm đầu tư vào các dự án địa ốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Dường như “tâm lý bầy đàn” cùng sự hám lợi đã đẩy không ít người muốn mau chóng làm giàu vào cảnh tiền mất tật mang…

Mua đất trên giấy - Mồi trong... bẫy chuột

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, cơ quan công an khám phá hàng loạt vụ án lừa đảo liên quan tới vấn đề kinh doanh bất động sản (BĐS) và báo chí cũng tốn không ít giấy mực cho vấn đề này. Thế nhưng, những “cơn lốc” mạo hiểm đầu tư vào các dự án địa ốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Dường như “tâm lý bầy đàn” cùng sự hám lợi đã đẩy không ít người muốn mau chóng làm giàu vào cảnh tiền mất tật mang…

Những thương vụ “bán vịt giời”

Săn những dự án mới trong giai đoạn sơ khai có lẽ là tiêu chí số 1 của giới đầu tư BĐS bởi tính chất “thời thượng” cũng như lợi nhuận trên tỷ suất đầu tư khá cao. Việc tra cứu thông tin về các dự án cũng khá dễ dàng, nhất là trong thời buổi internet đã phổ cập tới từng gia đình như hiện nay. Lấy tạm một dự án đang “hot” trong giới đầu tư BĐS, chúng tôi gõ cụm từ “dự án đô thị Nam 32” vào trang tìm kiếm google.com.vn, lập tức máy tính cho ra tới hơn… 1 triệu kết quả. Điều đó đủ cho thấy dự án này đang nóng tới mức nào.

Bản đồ phân lô được cò đất rao bán trên mạng
Bản đồ phân lô được cò đất rao bán trên mạng

Ai cũng biết từ sau Tết Nguyên đán vừa qua, giá đất nền dọc trục đường QL32 bỗng tăng vọt bởi con đường sắp hoàn thành. Thế nên giá đất tại các dự án như Tân Tây Đô, Hoàng Quốc Việt kéo dài, Vân Canh đều được chào bán ở mức 60-80 triệu đồng/m2. Thậm chí cả dự án ở xa như Phoenix Garden tại Đan Phượng cũng lên tới hơn 30 triệu đồng/m2. Đến đất thổ cư trong làng, lối đi bé tẹo cũng được hét tới hơn 20 triệu đồng/m2. Vì thế với dự án Nam 32 này, mức giá gốc 13,5 triệu đồng/m2 quả là miếng mồi khá hấp dẫn.

Lần theo những dòng quảng cáo trên mạng, chúng tôi đã tìm đến một số sàn BĐS để nắm tình hình. Nghe khách hỏi về dự án Nam 32, một nhân viên sàn bất động sản trên đường Láng lập tức lấy ra tấm bản đồ rồi khẳng định hiện sàn đang có 3 lô được đánh số rõ ràng: lô số 50 NV1 và lô số 4, số 5 NV2. Giá gốc là 13,5 triệu đồng/m2; giá bán 36 triệu đồng/m2. Khi ký hợp đồng, khách sẽ phải trả tiền trước 30% giá trị hợp đồng, và “tiền chênh” là hơn 1,7 tỷ đồng. T

uy nhiên khi chúng tôi đề nghị cho xem hợp đồng mẫu và hỏi có ký được trực tiếp với chủ đầu tư hay không thì anh này cho biết sàn cũng chỉ là nơi người ta “gửi hàng”. Nếu chấp nhận đầu tư ở đây thì phải “chờ đợi” vì thời điểm này dự án đang hoàn tất thủ tục. Cũng theo nhân viên này, khách sẽ ký hợp đồng góp vốn với công ty thứ cấp. Hợp đồng ký xong thì sẽ được đóng niêm phong trong phong bì. Khi chúng tôi đặt vấn đề: Vậy lấy gì để chắc chắn là mảnh đất kia sẽ là của chúng tôi trong tương lai? Anh này khẳng định như đinh đóng cột: “Anh yên tâm đi, sàn làm ăn đàng hoàng. Đảm bảo đầu tư chỗ này vài tháng nữa chắc chắn lãi lớn”.

Tại một sàn BĐS khác ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Chúng tôi mới chỉ nhắc đến dự án Nam 32, một nhân viên cũng đưa ra tấm bản đồ dự án y hệt như ở sàn nói trên và báo giá luôn: “Chúng em còn 3 ô. Nếu anh lấy ô số 9-NV12 thì giá 38 triệu/m2, còn ô 29 và ô 16 giá 36,5 triệu đồng/m2”. Tạt sang một sàn BĐS sát tòa nhà Vimexco gần đó, cũng tấm bản đồ tương tự, nhân viên ở đây cho biết: “Sàn đang bán 3 ô là ô số 4-NV2, ô số 6-NV1-1 và ô 23-NV5. Khi ký hợp đồng, sẽ đóng 50% giá trị. Giá bán ra lần lượt là: 30 triệu đồng/m2; 34,8 triệu đồng/m2; và 34 triệu đồng/m2. Nếu khách mua sẽ đưa sang Công ty Trí Việt để ký hợp đồng”. Và nhân viên này cũng cho biết: Hợp đồng là “hợp đồng đóng”.

Lý giải về “hợp đồng đóng”, những nhân viên này cho biết, kể từ vụ Công ty 1-5 bán đất dự án Thanh Hà thì hầu hết các sàn đã “rút kinh nghiệm”. Làm như vậy để khách hàng không thể “lướt sóng” ngay được mà phải chấp nhận đầu tư thật. Vậy dự án Nam 32 là dự án gì mà lại hấp dẫn như vậy? Để tìm câu trả lời, chúng tôi tìm tới Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Đức thì được biết: “Công ty CPĐT&PT Lũng Lô 5 được thành phố giao đất lập dự án này nhưng hiện chủ đầu tư vẫn còn đang làm thủ tục và chưa đền bù cho dân. Do đó, dự án hiện vẫn còn đang bỏ không cho bèo tây và cỏ dại mọc”.

Bài học chưa cũ

Vấn đề đặt ra là tại sao dự án này vẫn chưa đâu vào đâu mà các sàn BĐS đều đã có bản đồ dự án và phân lô bán thoải mái như vây? Ông Đàm Minh Đức, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty CPĐT&PT Lũng Lô 5 khẳng định: “Dự án này có tổng diện tích gần 50ha và hiện công ty đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng. Vì thế HĐQT công ty chưa hề có chủ trương bán hàng tại dự án này. Thời gian gần đây chúng tôi cũng phải nhận rất nhiều điện thoại của nhà đầu tư gọi đến hỏi mua. Thậm chí có người còn đến tận nơi xin góp… vài chục tỷ để mua cả lô. Tuy nhiên, chủ trương chưa có nên chúng tôi buộc phải từ chối những lời đề nghị đó”.

Như vậy, với những thông tin ông Đức cung cấp thì rõ ràng đến thời điểm này, dự án Nam 32 chưa hề được bán và việc mua bán trên giấy theo dạng hợp đồng góp vốn qua các đầu mối thứ cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ mất trắng. Vụ Công ty 1-5 với tư cách là nhà đầu tư thứ cấp đã ký hàng trăm hợp đồng góp vốn với khách hàng tại dự án Thanh Hà là một ví dụ điển hình. Hay bài học từ Công ty CP Địa ốc dầu khí do Lê Mãn Thân làm giám đốc, dù chẳng có một mét đất ở các dự án nhưng bằng cái mác công ty có cái tên “nửa nạc nửa mỡ” Petroconex (khiến khối người nhầm tưởng đó là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Vinaconex) đã huy động được hơn 10 tỷ đồng của khách hàng có nhu cầu mua đất tại dự án Thanh Hà, Văn Khê, An Hưng...

Chỉ sau nhiều lần hẹn mà không thấy đất, cũng chẳng đòi được tiền, các khổ chủ mới biết mình bị lừa và họ đã phải lặn lội đi khắp nơi mới… bắt được Thân về giao nộp cho cơ quan công an khi gã này đang… nằm khểnh trong khách sạn và tiêu bằng tiền của họ.

Đầu năm 2011, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng vừa bắt bộ sậu lãnh đạo Công ty CPĐTPT Đài Việt về hành vi lừa đảo bán đất dự án Indochina Dương Nội - Hà Đông của Tập đoàn Nam Cường. Điều đáng nói là các nạn nhân của vụ này đã bị chính các sàn BĐS đưa đi gặp và giao tiền cho kẻ lừa đảo. Khi bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt quả tang, Tạ Tất Toàn - Chủ tịch HĐQT công ty cùng đồng bọn mới khai nhận: Đã làm giả các tài liệu, làm giả con dấu của UBND TP Hà Nội để lừa khách hàng.

Hậu quả từ những vụ lừa bán đất là rất lớn. Theo phân tích của một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm kinh tế - Công an Hà Nội thì sở dĩ các đối tượng lừa đảo vẫn có thể cho rất nhiều người vào bẫy là vì đã đánh trúng vào… lòng tham của những người đầu tư. Có câu “miếng fomat không mất tiền chỉ có trong bẫy chuột”. Vì thế, các nhà đầu tư cần cảnh giác với mùi thơm từ những miếng fomat hiện đang được không ít đối tượng  lừa đảo đặt khắp nơi.

Nguyễn Long