Mưa đá, giông lốc xuất hiện sớm dự báo về điều gì?

ANTD.VN -Mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này báo hiệu cho thấy dấu hiệu về thời kỳ mưa giông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá,… đã đến rất gần.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, mưa đá, giông lốc vào ngày và đêm 17/2 trên địa bàn các tỉnh miền núi như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai và Thái Nguyên đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo đó, giông lốc, mưa đá đã làm 5 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng; 17 điểm trường bị ảnh hưởng; 8 phòng học bị hư hỏng và 12 phòng chức năng công vụ bị hư hỏng.  Ngoài ra, còn một diện tích lớn lúa và hoa màu bị hư hại; 1.597 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 27 cột điện bị gãy, đổ…Ước tính thiệt hại ban đầu đến sáng nay, 19/2 khoảng 16 tỷ đồng (chưa bao gồm ước tính giá trị thiệt hại của tỉnh Tuyên Quang).

Mưa đá gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Tuyên Quang vào ngày 17/2 vừa qua

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, giông lốc mạnh ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.

“Trong năm 2019, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này báo hiệu cho thấy dấu hiệu về thời kỳ mưa giông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá,… đã đến rất gần.

Thêm nữa, với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng gần đây sẽ là điều kiện nhiệt lực góp phần cho chúng ta dự đoán về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới”- ông Trần Quang Năng thông tin.

Theo ông Năng, khi đó có sự gặp gỡ vào xáo trộn mạnh giữa các khối khí nóng và lạnh, khô và ẩm sẽ là điều kiện lý tưởng tạo ra những đám mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả gây ra các trận lốc xoáy, gió giật mạnh, mưa đá trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực miền núi.