Mua bán tài khoản ngân hàng trái phép có thể bị phạt tù tới 7 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp các đường dây thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng bị triệt phá gần đây đã hoang mang trong dư luận. Nhiều người hỏi, theo quy định, hành vi mua bán tài khoản ngân hàng trái phép sẽ bị xử lý ra sao?

Cách đây không lâu, nhóm đối tượng chuyên mua bán tài khoản ngân hàng do Lê Thế Trung (37 tuổi, ở TP.Hà Nội) cầm đầu đã bị Công an huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị bắt giữ.

Chỉ trong 2 năm, nhóm này đã thuê người dân mở trên 3.000 tài khoản ngân hàng với giá 400.000 đồng/ tài khoản, sau đó bán ra nước ngoài với giá chênh lệch lên đến hàng chục lần.

Các đối tượng còn thành lập công ty về lĩnh vực xây dựng để tiện lợi tìm kiếm khách hàng và giao dịch. Cơ quan công an đã thu giữ hàng trăm sim điện thoại, trong đó nhiều sim đã được kích hoạt mã OTP, nhiều tài khoản đã có giao dịch lên đến 400 tỷ đồng.

Những người được thuê mở tài khoản ngân hàng là học sinh, sinh viên, người ít hiểu biết pháp luật. Nhiều tài khoản ngân hàng sau khi bán lại sẽ được sử dụng vào việc chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo, sử dụng sim rác để đăng nhập Internet banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền.

Một nhóm đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng trái phép đã bị bắt giữ

Một nhóm đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng trái phép đã bị bắt giữ

Về hiện tượng trên, Luật sư Nguyễn Thu Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng là trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc mục đích khác trái pháp luật.

Thực tế cho thấy, hầu hết các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao đã thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả, cá nhân mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính, theo khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 - dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Luật sư Thu, trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 BLHS 2015.

Theo điều luật này, phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm với trường hợp thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 - dưới 50 tài khoản; hoặc thu lợi bất chính từ 20 - dưới 50 triệu đồng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm nếu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.

Với những người mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại, pháp luật hiện hành không cấm công dân mở nhiều tài khoản, song mở tài khoản xong lại giao cho người khác sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 26 Nghị định 88/2019, các hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 - dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng - Luật sư Thu nhấn mạnh.