Cần xóa bỏ ngay những điểm bán mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc
(Ảnh chụp lúc 17h ngày 14-3-2013 trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc người dân vẫn băn khoăn nếu bị xử phạt về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, trong khi họ không phân biệt được đâu là mũ thật, đâu là mũ giả, ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: “Các lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đối với hành vi đội mũ bảo hiểm giả, mũ không đảm bảo chất lượng. Điều đó có nghĩa là người đội mũ bảo hiểm rởm chưa bị phạt, mà chỉ bị nhắc nhở và vận động dùng mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt nghiêm đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách khi đi mô tô, xe máy”.
Thực tế hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại mũ có hình thức giống mũ bảo hiểm. Có loại mũ thời trang đắt tiền, hình thức tương tự mũ bảo hiểm, có ghi rõ tiêu chuẩn chất lượng, nhà sản xuất và ghi chú rõ “mũ này không dành cho người đi mô tô, xe máy” nhưng nhiều người dân vẫn mua và sử dụng, nghiễm nhiên coi đây là mũ bảo hiểm. Với những trường hợp này, nếu bị phát hiện đều bị xử phạt nghiêm minh, coi như không đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, người không đội mũ bảo hiểm được xác định là không đội gì ở trên đầu, đội mũ mềm, mũ lưỡi chai, mũ cối...
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ KHCN, những văn bản pháp luật liên quan đến sản phẩm này đã được Bộ KHCN ban hành từ lâu và đầy đủ. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp phải tự công bố chất lượng sản phẩm, công bố hợp quy và gắn nhãn, tem CR theo quy định. Tuy nhiên, với những loại mũ bảo hiểm “biến tướng” thì lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này. “Tất nhiên, việc sản xuất kinh doanh các loại mũ đội đầu khác cũng phải tuân thủ theo quy định chất lượng hàng hóa khác. Việc một số nhà sản xuất ghi rõ thông tin, chất lượng mũ nhưng thiếu cảnh báo cho người dân đã khiến thị trường mũ bảo hiểm không lành mạnh”- ông Tuấn nói. Lý giải của ông Tuấn làm rõ thực tế, khi lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nghi là sản xuất mũ bảo hiểm rởm thì họ ngụy biện rằng họ sản xuất mũ nhằm mục đích khác. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, trước đây, các cơ quan đã đề xuất Chính phủ việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm là có điều kiện. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận.
Từ hôm nay, 15-3 đến ngày 15-6, chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm sẽ chính thức được triển khai. Theo đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích sẽ thường xuyên phổ biến các quy định về xử phạt hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng, mũ giả mạo mũ bảo hiểm; cách nhận biết và phân biệt mũ giả mạo mũ bảo hiểm; cách sử dụng mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật cho người dân...