Một sản phụ chết bất thường: Tuyến trên, tuyến dưới đổ lỗi cho nhau

ANTĐ - Những ngày qua, dư luận xôn xao vì hàng loạt ca tử vong của các sản phụ tại nhiều địa phương khiến Bộ Y tế khẩn cấp vào cuộc. Trong khi báo cáo của các địa phương còn chưa ráo mực thì mới đây, tại Hưng Yên lại có thêm một ca tử vong sau sinh của sản phụ Đàm Thị Thu Ngân (SN 1982). 

Niềm vui chợt tắt

Bệnh viện Đa khoa Phố Nối - nơi sản phụ Ngân được chuyển tới trước khi tử vong

Cũng như cái chết của mẹ con chị Đào Thị Hạnh, ca tử vong của sản phụ Đàm Thị Thu Ngân, trú tại thôn 11, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên khiến người thân trong gia đình vô cùng bàng hoàng, đau đớn. Chỉ có một chút may mắn là sản phụ Ngân ra đi sau khi đã sinh được một bé trai  khỏe mạnh.

Vẫn còn nguyên gương mặt thất thần, anh Trịnh Văn Sơn - chồng chị Ngân bắt đầu câu chuyện về cái chết của vợ trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Vào ngày 25-4, vợ tôi có dấu hiệu chuyển dạ. Đến 19h cùng ngày, tôi cùng gia đình đưa vợ đến bệnh viện Đa khoa Văn Giang nhập viện chờ sinh nở. Trước đó, vợ tôi thường xuyên được bác sỹ Nguyễn Đức Oánh, Trưởng khoa Sản của bệnh viện Đa khoa Văn Giang thăm khám nên khi đưa vợ vào đây gia đình chúng tôi rất tin tưởng. Theo kết quả siêu âm lúc nhập viện, các bác sỹ cho biết cả mẹ và con đều trong tình trạng rất tốt. Do đó các bác sỹ chỉ định cho sản phụ đẻ thường. Đến 22h30, vợ tôi đã sinh được một bé trai cân nặng 3,3kg”.

Với chị Ngân, đây là lần sinh thứ 3, lại là một bé trai (trước đó chị Ngân sinh 2 cháu gái cũng tại bệnh viện này) nên gia đình vô cùng phấn khởi. Thậm chí sau khi sinh, đích thân bác sỹ Oánh còn đến tận nơi chúc mừng gia đình và sản phụ. Ai dè, niềm vui mừng ấy nhanh chóng bị dập tắt chỉ trong 30 phút sau đó. Anh Sơn chua xót: “Sau khi bác sỹ Oánh đi khỏi thì vợ tôi bắt đầu tụt huyết áp rồi lịm đi, các nữ hộ sinh đã phải mang máy thở oxy đến trợ giúp. Hàng loạt các biện pháp hồi sức được tiến hành nhưng không mang lại kết quả gì và các triệu chứng sau đó của vợ tôi ngày một xấu. Ngay cả bác sỹ Oánh, người hiểu rõ nhất về tình trạng của vợ tôi trước và sau khi sinh cũng không thể phát hiện được nguyên nhân vì sao sản phụ lại rơi vào trạng thái này. Đến 22h50, có lẽ không thể xử lý được nên bệnh viện Đa khoa Văn Giang đã chuyển vợ tôi lên tuyến trên là bệnh viện Đa khoa phố Nối”. 

Khi  tới bệnh viện Đa khoa Phố Nối, các bác sỹ tại đây đã khám, hội chẩn cho biết sản phụ Ngân bị vỡ tử cung, mất máu quá nhiều dẫn đến bất tỉnh. Chính vì vậy, bệnh viện quyết định mổ cắt tử cung bán phần. Thế nhưng mổ xong tình trạng sản phụ không khả quan hơn và đến đầu giờ chiều ngày   26-4, bệnh viện Đa khoa phố Nối đã cho chuyển sản phụ Ngân lên bệnh viện Bạch Mai. Tiếc rằng, chị Ngân đã không đợi được đến lúc xe lên tới Hà Nội. Các bác sỹ của bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Sản phụ đã tử vong khoảng 10 phút trước khi tới viện”.

Ai chịu trách nhiệm?

Anh Trịnh Văn Sơn vẫn bàng hoàng sau cái chết của vợ

Anh Sơn cho biết: “Tang lễ vợ tôi tiến hành vào ngày 27-4. Hôm đó bà Đào Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc bệnh viện và ông Nguyễn Đức Oánh, Trưởng khoa Sản có tới thắp hương chia buồn. Sau khi thắp hương, bà Diệp và ông Oánh cũng đã viết cam kết về việc sẽ làm rõ trách nhiệm ca tử vong của vợ tôi, cụ thể là: “Bệnh viện Đa khoa Văn Giang sẽ có trách nhiệm giải quyết về việc tử vong của sản phụ Ngân. Từ ngày 3 đến         5-5-2012 sẽ mời gia đình đến bệnh viện để giải quyết. Đồng thời, sẽ thăm và chăm sóc cháu bé mới sinh trong thời gian đầu để đảm bảo an toàn cho cháu bé”. 

Thế nhưng, đúng ngày hẹn gia đình anh Sơn tìm đến bệnh viện Đa khoa Văn Giang thì lại nhận được yêu cầu gia đình phải làm đơn theo quy định. Lý lẽ mà bệnh viện đưa ra là: “Bệnh viện Đa khoa Văn Giang là cơ quan nhà nước. Muốn rõ tránh nhiệm như thế nào thì phải đợi kết luận của cấp cao hơn”. 

Cũng theo gia đình, một lý do khác dẫn đến cái chết của sản phụ là do bệnh viện Đa khoa Phố Nối đã quá chậm trễ trong việc phẫu thuật. Chứng minh cho quan điểm này, anh Sơn khẳng định: “Lúc phẫu thuật xong, đáng lẽ vợ tôi phải được truyền máu thì bệnh viện lại không có máu dự trữ nên phải lấy xe chạy lên Viện Huyết học và truyền máu Trung ương để mang về. Thời gian cả đi lẫn về mất gần 3 giờ đồng hồ nên vợ tôi đã kiệt sức không thể hồi phục được. Vì thế, sau này việc bệnh viện chuyển vợ tôi lên bệnh viện Bạch Mai đã không đạt được mục đích”.

Tuy nhiên, trả lời về quan điểm này ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Phố Nối nói thẳng: “Lúc bệnh viện Đa khoa Phố Nối tiếp nhận thì sản phụ đã rất yếu. Lý do chính là sự non kém về chuyên môn của các y bác sỹ ở tuyến dưới đã không xác định được nguyên nhân mất máu nên không có biện pháp can thiệp kịp thời dẫn đến mất máu kéo dài, bệnh nhân bị sốc và không thể hồi phục. Ngay cả trước khi mổ, chúng tôi đã xác định cho gia đình rằng, sản phụ chỉ còn 1% khả năng sống sót”. Trong khi đó, phía bệnh viện Đa khoa Văn Giang lại phản pháo: “Chúng tôi ở tuyến dưới, không có đủ chuyên môn và cơ sở vật chất nên dù làm hết trách nhiệm, nhưng những gì ngoài khả năng chúng tôi phải đưa lên tuyến trên. Với sản phụ Ngân lúc lên tới tuyến trên, nhân viên hộ tống đã xác nhận sản phụ hoàn toàn tỉnh táo. Còn sau đó bệnh viện Đa khoa Phố Nối điều trị như thế nào, giữ bệnh nhân ở đó bao lâu thì ngoài khả năng của chúng tôi”.