Một cuộc chiến bị tư nhân hoá

(ANTĐ) - Đó là cuộc chiến ở Iraq hiện nay. Tư nhân hoá là bởi nó có sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty tư nhân - những doanh nghiệp cho thuê lính. Số lính hợp đồng ký với chính phủ Mỹ là 48.000 người. Nhưng trên thực tế có thể gấp đôi, gấp ba, không ai đưa ra được con số chính xác.

Một cuộc chiến bị tư nhân hoá

(ANTĐ) - Đó là cuộc chiến ở Iraq hiện nay. Tư nhân hoá là bởi nó có sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty tư nhân - những doanh nghiệp cho thuê lính. Số lính hợp đồng ký với chính phủ Mỹ là 48.000 người. Nhưng trên thực tế có thể gấp đôi, gấp ba, không ai đưa ra được con số chính xác.

Lính đánh thuê tại Iraq
Lính đánh thuê tại Iraq

Mỗi buổi sáng, khi bước qua ngưỡng cửa phòng làm việc của mình, ông chủ của công ty đa quốc gia Blackwater có mọi lý do để hài lòng: công việc phát triển, cổ phiếu tăng dồn, tương lai hứa hẹn, bởi vũng bùn Iraq vẫn còn dài!

Nghề nghiệp của ông là “Tư vấn an ninh toàn cầu”. Công ty của ông được công nhận là “công ty chuyên nghiệp nhất thế giới về quân sự, củng cố luật pháp, an ninh, giữ gìn hoà bình và các hoạt động bình ổn”.

Mục đích của công ty thì không gì có thể nhân bản hơn thế: “Bảo đảm an ninh, hoà bình, tự do và dân chủ ở mọi nơi”. Như vậy, người ta có thể ngủ ngon lành… Địa bàn hoạt động chính: Iraq. Công việc thì không thiếu, từ khi người bạn Georges của ông kêu gọi ông tham gia một vài dịch vụ.

Nhưng dịch vụ gì đây? Cung cấp người cho các nhiệm vụ khác nhau trên thực địa, những nhiệm vụ phụ trợ hoặc tham gia trực tiếp trong các cuộc chiến.

Tờ La Libre Belgique, một tờ báo khá ôn hoà, đã gọi đây là “những người lính đánh thuê”. Chỉ cần hỗ trợ quân đội liên bang trong các nhiệm vụ khó khăn, nhưng hợp pháp dưới con mắt của những người vẫn còn tin vào Nhà trắng và Lầu năm góc…

Mục tiêu của Blackwater là cung cấp cho quân đội Mỹ những người lính được đào tạo bài bản, được trả hậu hĩnh, thuộc mọi nguồn gốc, từ những cựu binh của Mỹ đến những người lính Chilê, Phlippines hay Fidji… Để đấu tranh chống lại cái mà họ gọi là “trục ma quỷ”, và thực hiện nhiệm vụ này ở bất cứ đâu. Công ty đã tuyển dụng người từ khoảng 30 quốc gia khác nhau.

Blackwater đã có một hợp đồng hợp đồng với CIA ở Afghanistan và nhiều trận địa khác… Những người lính đánh thuê của công ty này xuất hiện rất nhiều trên các chiến sự ở Iraq. Họ thậm chí có khi còn quan tâm cả đến những mục tiêu dân sự, như ở New-Orleans, trong thảm kịch Katrina.

Doanh thu của Blackwater luôn ở mức hàng tỷ USD. Họ sở hữu trung tâm huấn luyện quân sự lớn nhất thế giới. Vì thế, một doanh nghiệp thầu lại là rất hữu ích. Như ông Michael Ratner, giám đốc Trung tâm quyền hiến định của Mỹ, từng nói: “Việc sử dụng ngày càng nhiều công ty tư nhân dưới dạng thầu lại khiến cho các cuộc chiến trở nên dễ dàng phát động và dễ điều hành hơn, chỉ cần có tiền mà chẳng cần có người”. Việc này cũng cho phép tránh sự phản đối, kháng cự của dân chúng, bởi họ sẽ cảm thấy ít liên quan trực tiếp đến các cuộc chiến và mạng người. Việc sử dụng những công ty tư nhân vì thế đã giúp giảm chi phí chính trị cho cuộc xung đột.

Có rất nhiều “doanh nghiệp” kiểu này ở Iraq. Ví dụ công ty Halliburton, chuyên bảo vệ khu vực chất đốt, khôi phục các giếng dầu. Hoặc ErInys, một lực lượng bán quân đội, chuyên trách mảng an ninh cho các nhân vật máu mặt, các đoàn xe, và đào tạo cảnh vệ quốc gia. Rồi cả Vinnel, MPRI, NourUSA… những công ty đào tạo và trang bị cho quân đội Iraq. Ước tính cứ 6 người lính thì có 1 người là của các công ty tư nhân. Nhưng khó có thể đưa ra một con số chính xác, đáng tin về tổng số lính hợp đồng kiểu này. Mất mát về người của họ cũng không được biết đích xác, đó là bí mật của các nhà tuyển dụng.

Ông Duncan Bullivant, giám đốc một công ty như thế của Anh mang tên Henderson Risks, tiết lộ: “Iraq hiện nay là một mỏ vàng. Lợi nhuận có thể rút ra từ cái mỏ ấy tăng đến mức chóng mặt, nhanh hơn cả những yếu tố nguy cơ”. Binh lính của các công ty tư nhân nói trên kiếm nhiều hơn từ 2 đến 10 lần so với những đồng nghiệp của họ trong các lực lượng nước ngoài. Được trả nhiều nhất là những người được đào tạo đặc biệt. Mức lương cũng tuỳ thuộc vào mức độ toàn cầu hoá: ở Iraq, một cựu lính mũ nồi xanh của Mỹ có thể kiếm được đến 1000 USD/ngày, nhưng một cựu binh của Nepal sẽ chỉ được trả 1000 USD/tháng.

Đức Đan

Theo AgoraVox