Kỷ niệm 50 năm ngày Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh:

Một con người từ chân lý sinh ra

ANTĐ - Niên khóa 1964-1965, chúng tôi đang học năm cuối Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì nghe tin: Cuộc thương lượng đòi thả người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi ở miền Nam Việt Nam, đổi lấy con tin là trung tá không quân Mỹ Micheal Smoles vừa bị du kích quân Caracas (Venezuela) bắt giữ không thành. Chính quyền Sài Gòn đã hèn hạ nuốt lời hứa, trở mặt đưa anh Trỗi ra pháp trường. Trước lúc ra đi, anh đã quả cảm giật phắt mảnh khăn đen bịt mắt và hô lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi. Đả đảo đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh muôn năm. Việt Nam muôn năm”.

Một con người từ chân lý sinh ra ảnh 1

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường

Công phẫn trước sự tráo trở, giết người dã man của bọn cướp nước và bán nước, càng khâm phục, tự hào về hành động dũng cảm, chiến đấu hy sinh “uy vũ bất năng khuất”, và đặc biệt 9 phút cuối cùng làm nên lịch sử của anh Trỗi, chúng tôi bàn với thầy Nguyễn Năng Thi dạy bộ môn Họa cùng nhau góp công, góp sức, dựng giữa khuôn viên sân trường bức tượng Nguyễn Văn Trỗi hiên ngang. Chúng tôi cũng đề nghị với Ban giám hiệu cho phép khóa chúng tôi được mang tên: Khoa Văn khóa Nguyễn Văn Trỗi. Giỗ 49 ngày anh mất, khóa học mang tên anh đội ngũ chỉnh tề dưới chân bức tượng, tất cả đều ký tên vào lá cờ “Ba sẵn sàng” của Đoàn có thêu chân dung của anh và dòng chữ: “Sống chết như đời anh, người thợ”. Sinh viên Hoàng Hưng (sau này là nhà thơ), xúc động đọc bài thơ “Miền Nam”, trong đó có đoạn: “Cho tôi đến, miền Nam ơi cho tôi đến/Để mỗi đêm không hối tiếc mỗi ngày…”. Một cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được phát động…

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940, là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Geneva 1954, đất nước tạm chia làm 2 miền, anh Trỗi theo cha ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai, vì miếng cơm manh áo và cuối cùng phiêu dạt vào Sài Gòn. Tuổi thơ của anh không được cắp sách đến trường, chưa hết tuổi vị thành niên đã phải đi đạp xích lô chở khách đỡ cha bữa rau, bữa cháo. Về sau, anh xin vào làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán, và tham gia đội Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Đầu năm 1964, tổ chức bí mật đưa anh đi dự một lớp tập huấn về cách đánh địch trong nội đô ở căn cứ Rừng Thơm Đức Hòa (Long An). Ngày 2-5-1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (cầu Nguyễn Văn Trỗi ngày nay) để ám sát phái đoàn chính trị, quân sự cao cấp do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mc Namara cầm đầu. Khi ấy Tư Trỗi vừa cưới vợ được 19 ngày nên ban đầu tổ chức giao nhiệm vụ này cho một đồng đội khác, nhưng anh xung phong đi thay vì vợ đồng đội vừa sinh con. Để trận đánh hiệu quả, anh tự nguyện bán chiếc nhẫn cưới để có tiền mua dây điện và các phụ kiện khác. Hôm đó, Tư Trỗi nhận nhiệm vụ cảnh giới cho anh Lời nối dây điện từ nơi phục kích đến quả mìn chôn ở đầu cầu thì bị địch phát hiện. Chúng ập đến bao vây, anh và anh Lời đều bị địch bắt lúc 22h ngày 9-5-1964.

Suốt 5 tháng bị giam cầm trong nhà tù, bọn cai ngục dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn dã man, nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn một lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Anh khảng khái, hiên ngang tuyên bố: “Còn giặc Mỹ thì không ai có hạnh phúc. Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, thương tật hay hy sinh, tôi cũng vui lòng. Tôi không thể sống như bọn tay sai, mong được an thân để làm hại đồng bào”. Không khuất phục được anh, đích thân Nguyễn Khánh, Thủ tướng chính quyền ngụy đưa anh ra xử ở tòa án quân sự và kết án tử hình, nhằm uy hiếp phong trào chống Mỹ đang lên ở khắp miền Nam. Được tin này, phong trào cách mạng ở Venezuela tuyên bố “Nếu tử hình Nguyễn Văn Trỗi, du kích quân Caracas sẽ trừng trị tên trung tá không quân Mỹ Micheal Smolen vừa bị quân cách mạng bắt giữ”. Mỹ buộc phải cam kết không tử hình anh.

Nhưng khi tên trung tá Mỹ vừa được thả ra thì chúng nuốt lời hứa, 9h50 ngày 15-10-1964, kẻ thù vội vàng đưa anh ra bắn tại vườn rau khám lớn Chí Hòa, khi đó anh tròn 24 tuổi. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi “Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu/Quần áo trắng một màu tinh khiết/ Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết/Bầy giết thuê và lũ viết thuê/Hai hàng đen súng cắm lưỡi lê/Anh bước tới, mắt nhìn, bình thản/Như chính anh là người xử án... Lời anh dặn, chúng tôi xin nhớ: Hãy sống chết quang vinh/ Trước kẻ thù không sợ/Vì Tổ quốc hy sinh (“Hãy nhớ lấy lời tôi”-Tố Hữu).

Sau này, nhà báo Thái Duy, tức nhà văn Trần Đình Vân viết thiên truyện ký “Sống như anh” nổi tiếng ngợi ca người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Trang mở đầu, Bác Hồ đã viết lời tựa: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập”. 

“Hãy nhớ lấy lời tôi”. Lời nói dũng cảm của anh trước họng súng quân thù cách đây nửa thế kỷ vẫn vọng đến hôm nay và cả mai sau, như hồi kèn xung trận thúc giục tuổi trẻ Việt Nam chọn cách “Sống như anh”, cần cù học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “sánh vai các cường quốc 5 châu” như lời dạy của Bác Hồ.