Cuộc gặp gỡ hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc

Mong muốn trật tự kinh tế theo luật chơi công bằng

ANTĐ - Ngày 7-6 (8-6 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ và hội đàm tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands với khu vườn rộng thênh thang những hàng ôliu xanh dịu và hồ nước gần ngọn núi San Jacinto, ở thành phố Los Angeles, bang California, bờ phía Tây nước Mỹ. 

Dù không phải chính thức song cuộc gặp vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm do bối cảnh hiện nay khi Mỹ nhất quyết triển khai chiến lược “xoay trục” và tái cân bằng quân sự ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương trước một Trung Quốc ngày càng “quyết đoán” trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bộc lộ rõ tham vọng trở thành cường quốc biển. Sự cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra một vòng xoáy địa chính trị - địa an ninh mới ở châu Á -Thái Bình Dương, làm bùng phát nhiều điểm nóng trong khu vực, đồng thời tạo ra một cuộc đua tranh sức mạnh và tăng cường tiềm lực quân sự của nhiều nước.

Cuộc gặp không chính thức này được xem là một cơ hội để nhà lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới xây dựng mối quan hệ trong bối cảnh có những bất đồng về một loạt các vấn đề nổi cộm. Điều này thực sự có ý nghĩa bởi vì có rất nhiều điểm cần bàn bạc, không chỉ kinh tế và chính trị rộng khắp, mà cả những điểm thảo luận sâu hơn về các vấn đề hai bên cùng quan tâm... 

Có thể coi đây là một trong những cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất trong năm 2013 bởi vì nó có thể sẽ định hình tương lai của mối quan hệ Mỹ - Trung nói riêng và trật tự thế giới nói chung trong thế kỷ 21.

Mong muốn trật tự kinh tế theo luật chơi công bằng  ảnh 1
Ông Obama (phải) và ông Tập Cận Bình gặp gỡ tại California. Ảnh: Reuters

Một chuyến thăm đặc biệt

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ chỉ sau 2 tháng lên cầm quyền và chuyến thăm kéo dài tới tận 2 ngày là điều chưa từng xảy ra trong giới lãnh đạo Trung Quốc trước đây. Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào chỉ đến thăm Mỹ sau khi đã cầm quyền được 3 năm. Trước đó nữa, người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân cũng không đến Mỹ cho đến khi đã tại vị được tới 4 năm. 

Điểm đặc biệt nữa là 2 nhà lãnh đạo này đã chọn hình thức gặp gỡ không chính thức ở một khu nghỉ dưỡng thay vì một cuộc gặp long trọng ở Nhà Trắng như có lẽ muốn “thoát” ra khỏi những nghi thức, khuôn mẫu gò bó, chật hẹp để tạo một môi trường thoải mái nhất cho những cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn đưa đối thoại gần hơn với thực chất. Cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều mặc áo vest tối màu và không thắt cà vạt.

Tuy là cuộc gặp thượng đỉnh mang tính chất làm quen giữa 2 nhà lãnh đạo, nhưng các cuộc hội đàm lại có một chương trình nghị sự chính thức rất rộng lớn, bao gồm nhiều vấn đề song phương, khu vực và quốc tế. 

“Quyết định gặp nhau sớm như vậy (trong nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình) cho thấy tầm quan trọng của quan hệ Mỹ -Trung”, ông Obama phát biểu khi cuộc hội đàm bắt đầu. Tổng thống Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và bày tỏ mong muốn “một trật tự kinh tế nơi các quốc gia đang tham gia theo các luật chơi công bằng”. Ông Obama thừa nhận 2 nước có những lĩnh vực căng thẳng, nhưng hợp tác với nhau là vì lợi ích của 2 nước. 

Ông Obama bày tỏ hy vọng hai quốc gia sẽ “xây dựng một mô hình hợp tác mới dựa trên những mối quan tâm chung và sự tôn trọng lẫn nhau”. Ông cho biết Mỹ không muốn kiềm chế Trung Quốc, cáo buộc mà Bắc Kinh đưa ra để mô tả chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington. 

“Việc Trung Quốc tiếp tục con đường thành công phù hợp với lợi ích của nước Mỹ. Bởi một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định không chỉ tốt cho người dân Trung Quốc mà cho cả thế giới và Mỹ” - ông Obama nhấn mạnh. 

Ông Obama bày tỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề, trong đó có an ninh mạng. Ông cũng cam kết sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền với ông Tập Cận Bình. 

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ quan hệ hai nước đang ở một điểm khởi đầu mới, trong đó hai bên cùng có những mối quan tâm hàng đầu, từ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi nước, khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới, tới giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế, đối phó với những thách thức toàn cầu. Điều này đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ phải thúc đẩy hợp tác song phương. Ông Tập Cận Bình tuyên bố “Thái Bình Dương bao la đủ không gian đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc”. 

Trong thời quan qua, mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng do Bắc Kinh phản ứng dữ dội với chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington. Phía Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống mạng của Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ, đánh cắp nhiều bí mật quân sự và công nghệ nhạy cảm. Ông Obama và Tập Cận Bình nhất trí giải quyết tranh chấp an ninh mạng, một chủ đề hiện gây xung khắc trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Phát biểu sau cuộc hội đàm đầu tiên với ông Tập Cận Bình ở California, ông Obama nói ông và ông Tập Cận Bình đã thừa nhận nhu cầu thiết lập một bộ quy tắc chung về vấn đề gai góc trên. Hai nguyên thủ trả lời các câu hỏi của phóng viên sau ba giờ đồng hồ hội đàm tại một khu nghỉ dưỡng ở California trước khi dùng bữa tối.

Cả hai sẽ gặp nhau một lần nữa vào hôm nay 9-6 để tiếp tục thảo luận về các vấn đề song phương và có một cuộc gặp trực tiếp khác để kết thúc sự kiện kéo dài hai ngày này.

Các vấn đề song phương được 2 bên quan tâm thảo luận gồm hợp tác xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới mà 2 bên đã nhất trí; chính sách tiền tệ của Trung Quốc mà Mỹ cho là gây bất lợi cho xuất khẩu của Mỹ; những hạn chế xuất khẩu công nghệ cao mà Mỹ vẫn áp đặt với Trung Quốc; hàng rào bảo hộ mậu dịch và việc mở cửa thị trường hơn nữa, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp hai nước... 

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận các vấn đề gồm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên và Iran; cuộc khủng hoảng tại Syria; hợp tác cùng bảo đảm an ninh cho Afghanistan sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân vào năm 2014; an ninh hàng hải với các cuộc tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải ở khu vực châu Á; sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung cũng như trách nhiệm của hai nền kinh tế đối với nền kinh tế toàn cầu... 

Những kỳ vọng

Giới phân tích cũng cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều về một cuộc gặp 2 ngày. Bắc Kinh hiện nay quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ hiệu quả hơn là tập trung vào các chủ đề cụ thể. “Cuộc gặp này tự thân nó là những gì Trung Quốc muốn đạt được”, Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ ở Đại học Renmin nhận xét. “Tài năng lãnh đạo thực sự quan trọng”, bà nói, “nhưng chúng ta không nên thổi phồng những kỳ vọng rằng nếu ông Tập Cận Bình và ông Obama hợp nhau thì căng thẳng sẽ lập tức giảm bớt. Ở cả hai nước đều có một tổ chức chính trị đứng sau họ... Có rất nhiều lực lượng ở cả Washington và Bắc Kinh có thể nhìn nhận phía kia qua lăng kính ngờ vực”.

Một mối quan hệ thiên về cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo “có thể dễ dàng đạt được. Nhưng các mối quan hệ giữa các cá nhân không giống như một sự thành công song phương”, bà Shi Yinhong đánh giá. 

Là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, GDP của Mỹ và Trung Quốc chiếm xấp xỉ 1/3 GDP toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương dự kiến vượt 500 tỷ USD trong 2013. Vì thế, bất kỳ biến động nhỏ nào trong nền kinh tế, tài chính của mỗi nước đều ảnh hưởng lớn tới nhau và tới nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, do cùng là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên nhiều công việc quốc tế lớn cần tới sự tham gia tích cực của hai nước này.