Ngỡ là quả mít…
Từ gần cuối tháng 7, trên một số hội nhóm “chợ mạng” tại Hà Nội, chị em rục rịch rủ nhau tìm mua một thứ quả trông bề ngoài khá giống mít xanh, nhưng khi bổ ra thì lại chẳng giống mít, đó là sa kê (sake). Bề ngoài quả sa kê khá tròn, vỏ màu xanh, có gai phân bố đều. Trọng lượng sa kê khi bước vào thời kì thu hoạch khoảng từ 500gr - 1,5kg. Tuy nó là một loại trái cây, nhưng khi ăn thì cần nấu nướng, chế biến chứ không thể ăn tươi như những trái cây khác.
Sake theo tên tiếng Anh là breadfruit (quả bánh mì), bởi khi đem chế biến bề mặt miếng sa kê có màu sắc rất giống với màu vỏ bánh mì. Cây sa kê được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, từ khu vực Nam Trung bộ tới các tỉnh phía Nam được trồng phổ biến, còn ở miền Bắc thì hơi khó trồng bởi nó không hợp với khí hậu lạnh. Cứ trung tuần tháng 7 tới tháng 10 là sa kê vào chính vụ, chị em nội trợ lại nhộn nhịp lên mạng tìm mua về chế biến. Mặc dù vị rất ngon, nhưng do còn khá mới mẻ ở miền Bắc nên rất khó để mua được thứ quả này ở các chợ truyền thống.
Cây sa kê vốn được trồng như một loại cây xanh lấy bóng mát bởi tán rộng và lá to. Tại Hà Nội, sa kê được rao bán không quá đắt, nếu mua lẻ độ 30.000 - 40.000đ/quả, mua theo cân cũng chỉ khoảng 50.000 - 60.000đ/kg. Quả sa kê đặc ruột, không có nhiều hạt, thậm chí là không hạt, thành ra chỉ cần gọt vỏ, bỏ cùi ruột là đem chế biến được rồi. Sa kê cũng có nhiều dinh dưỡng, giàu axit amin, giàu chất xơ và hàm lượng chất chống oxy hóa cao nên rất tốt cho hệ tim mạch, giảm các chứng bệnh liên quan tới hàm lượng cholesterol cao trong máu, giảm các nguy cơ về huyết áp, bổ sung sự thiếu hụt kali, tăng khả năng miễn dịch… Tuy có nhiều tác dụng, nhưng khi sử dụng sa kê cũng cần lưu ý tránh ăn sống bởi nó có nhiều mủ nhựa có thể gây ngộ độc, phải chế biến chín và đúng cách. Những người có cơ địa dễ dị ứng cũng nên cẩn trọng khi ăn sa kê, người huyết áp thấp hoặc rối loạn đông máu cũng được khuyến nghị không nên ăn. Cũng có một số khuyến nghị đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Đây là những lưu ý cần thiết, ngoài ra trái sa kê rất lành, không chứa độc tố nào nguy hiểm, chỉ cần tham khảo, tìm hiểu trước khi sử dụng.
Những món ngon
Cách để chế biến sa kê một cách nhanh nhất là đem chiên. Đây cũng là món ăn phổ biến khi người ta nghĩ tới loại trái cây này. Khi sa kê căng tròn, phần vỏ xanh có chút chuyển sang ánh vàng là lúc quả già, thích hợp để ăn. Tránh chọn quả chín mềm sẽ khó chế biến, còn quả non ăn lại nhạt và sượng.
Gọt lớp vỏ sa kê, bỏ phần cùi cứng ở giữa rồi cắt khúc tùy ý đem ngâm nước muối loãng cho hết mủ nhựa và không bị thâm. Chiên vàng trực tiếp hoặc “áo” một lớp bột bên ngoài trước khi chiên, sa kê chiên giòn rụm bên ngoài và bên trong mềm bở, có vị béo ngậy, ngọt thơm.
Cũng có thể đem sa kê hấp chín rồi dầm nhuyễn, trộn chung với chút bột, lòng đỏ trứng gà, đường, rồi nặn thành từng chiếc bánh, hoặc bọc nhân thịt băm đem chiên. Khi sa kê chín, chấm với nước mắm chua ngọt ăn rất thú vị.
Sa kê thái sợi nhỏ, tẩm bột rồi thêm tôm, mực, hoặc bất cứ loại nhân nào tùy độ sáng tạo, đem chiên giống như chiên bánh tôm Hồ Tây. Thành phẩm ăn có vị giòn, ngọt và béo, rất hấp dẫn.
Quả sa kê nấu canh sườn, canh xương, hoặc kho với thịt, kho mắm, kho tiêu cũng đều đem đến những món ngon hấp dẫn. Lưu ý đối với các món canh, bởi sa kê mềm nhanh khi chế biến nên trước khi nấu không nên cắt khúc mỏng quá, cũng không nên nấu lâu để tránh bị nát. Với món kho, nên chiên sơ miếng sa kê trước cho cứng bề mặt để khi kho sa kê vẫn có độ rắn bên ngoài nhưng bên trong mềm và ngon.
Nem sa kê cũng là một gợi ý thú vị, độc đáo đối với cách ăn loại trái cây này. Cách làm khá đơn giản, phần nhân chỉ cần sa kê thái sợi, thịt băm, tôm băm và một số loại gia vị cơ bản, thêm chút tiêu là có thể gói được nem rồi. Nem sa kê không cần phải thêm hành hay nấm hương, mộc nhĩ. Vị ngọt tự nhiên khi chín của sa kê sẽ làm tăng phần thú vị của chiếc nem. Phần nhân của nem sa kê có thêm một “phiên bản” khác là cho thêm miếng phô mai gói chung vào. Món này ăn khi mới chiên nóng giòn rất hấp dẫn.
Với món gỏi sa kê tôm thịt thì cắt khúc hơi to một chút để sa kê không bị nát rồi luộc chín vừa, sau đó với ra ngâm với nước đá tạo độ cứng. Tôm luộc bóc vỏ, thịt ba chỉ luộc thái miếng vừa ăn ( có thể thay bằng tai hoặc lưỡi luộc), rau răm, rau thơm, ớt băm, cà rốt bào sợi, chút hành tây thái lát đã ngâm qua nước đá… Tất cả đem trộn đều rồi thêm nước sốt trộn gỏi vị chua ngọt vừa phải, cuối cùng rắc thêm chút lạc rang. Món gỏi sa kê tôm thịt có vị béo ngọt, đậm đà, thêm chút chua ngọt của nước sốt khiến món ăn trở nên hấp dẫn và không bị ngán.
Sa kê còn có thể nấu chè như một số loại chè giải khát mùa hè. Có nhiều phiên bản nấu chè từ sa kê như chè sa kê nấu chung với nếp, chè sa kê nấu với một số loại đậu, chè sa kê trân châu nước cốt dừa… đều đem đến vị ngon đặc trưng, ăn rất mê.
Thú vị và hợp với nhiều món ăn, dự đoán trong thời gian tới sa kê sẽ trở nên phổ biến ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Với tinh thần ưa khám phá ẩm thực của người Việt, nhanh thôi, sa kê sẽ ngày càng được ưa chuộng, phổ biến.