Mỗi tháng một đô thị
(ANTĐ) - Mới đây, tại một cuộc hội thảo về phát triển đô thị bền vững, Bộ Xây dựng đã đưa ra một nhận định, ở Việt Nam hiện nay, mỗi tháng lại có một đô thị mới mọc lên. Nhận định này có thể hơi quá lời, song nó nói lên thực trạng đô thị hóa đang bùng phát gần như tự phát. Luật về quản lý hành chính hiện hành không hề có cấp khu mà chỉ có tỉnh/thành, quận/huyện, phường/thị trấn, thị xã. Vậy thì các khu đô thị thuộc cấp nào quản lý?
Theo lẽ thường, khu đô thị mới nào “tọa lạc” trên địa bàn địa phương nào thì do địa phương đó quản lý. Thế nên mới có chuyện trái khoáy, một đô thị mới được xây dựng bề thế, quy mô dân số lớn, trình độ dân trí cao lại thuộc quyền cai quản của chính quyền… xã hoặc phường. Cách quan hệ chức năng này đã nảy sinh rất nhiều vấn đề rắc rối, khó xử và rất mâu thuẫn. Đơn cử chủ tịch xã không thể quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, quản lý một khu dân cư hiện đại bởi vì tiêu chí và quyền hạn của một xã nông thôn hoàn toàn không thể áp dụng với một phường hay một khu đô thị. Thế nên hiện nay, khi có sự cố “ngoài ý muốn” về an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc cháy nổ, cần sự chỉ đạo và quyết định về quy hoạch kiến trúc, tổ chức dân cư đô thị thì không biết tìm đến cơ quan quản lý nào.
Đã từng xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa dân cư khu đô thị và ban quản lý về việc truy thu tiền sử dụng đất dẫn đến bế tắc không lối thoát, đây chỉ là một trong nhiều dẫn chứng về sự bất hợp lý trong việc quản lý nhà nước trong các khu dân cư mới mọc này. Trước thực tế khó xử này, theo ý kiến của giới chuyên gia về quản lý đô thị, phải mau chóng thay đổi trong tư duy, quan niệm và luật pháp để tiến tới thay đổi hiện trạng này vì quá trình đô thị hóa theo chiều rộng vẫn tiếp tục loang ra với tốc độ chóng mặt. Muốn làm được điều này thì Hà Nội, TP.HCM phải được “đổi tên” là vùng đô thị hay “siêu” đô thị. Với cách tổ chức này, hàng loạt các khu đô thị mới đã và đang xây dựng ở ngoại vi trung tâm hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM sẽ được gọi là thành phố hay thị trấn.
Cần nói rõ, mô hình này khá phổ biến ở các nước trên thế giới và trong khu vực trong quá trình đô thị hóa. Ví như Thủ đô Manila của Philippines hoặc Jakarta của Indonesia bao gồm mười mấy thành phố và hàng chục thị trấn. Tuy nhiên, ở nước ta sẽ phải chấp nhận một bước quá độ tồn tại ban quản lý đô thị mới cho đến khi mà cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dân cư ổn định, lúc đó sẽ phải chuyển giao cho cấp quản lý hành chính là UBND thị trấn. Ban quản lý khu đô thị cũng như ban tự quản thực ra không có chức năng quản lý Nhà nước.
Không phải chờ đợi lâu, hiện tại những bất cập trong quản lý các khu đô thị mới đã dẫn đến những hệ lụy và hậu quả đáng tiếc. Một khu đô thị mới với hàng trăm hộ dân, hàng nghìn dân sinh sống, hàng ngày “đẻ” ra không biết bao vấn đề liên quan đến hành chính, an ninh trật tự, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, rồi chuyện điện, nước, môi trường, giáo dục, y tế… không thể coi là chuyện nội bộ. Đó là chưa kể đang tồn tại nhiều khu đô thị mới ở vùng giáp ranh, vừa chịu sự điều hành của ban quản lý khu, vừa chịu sự chia cắt quản lý của một hoặc hai phường của quận, nhiều khi của UBND cấp xã.
Thực trạng mỗi tháng một đô thị mới chứng tỏ tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Chắc chắn công tác quản lý bất cập hiện nay không thể “đuổi” theo kịp. Sự cần thiết phải có mô hình quản lý hợp lý không có nghĩa “khuyến khích” xu hướng này mà thực tế là thời thế thế thời phải thế, còn hơn là bó tay ngồi nhìn.
Đan Thanh