Mời nhà khoa học trong nước tham gia dự án "đuổi chim" 1.000 tỷ ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất

ANTD.VN - Dự án đuổi chim ở 2  sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài của Cục Hàng không bị các chuyên gia chê đắt. Cục Hàng không cho biết sẵn sàng để các nhà khoa học, nhà sản xuất nội tham gia vào sản xuất máy đuổi chim sân bay. 

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, không chỉ liên hệ với các nhà cung cấp nước ngoài, Cục cũng phối hợp với các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay.

Trả lời câu hỏi mức giá các nhà cung cấp đưa ra lần gần 1.000 tỉ đồng cho hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay liệu có quá đắt, các chuyên gia cho rằng, "máy đuổi chim" ở sân bay chỉ có giá thành bằng nửa như vậy. Về việc này, ông Lại Xuân Thanh cho biết đó mới là mức giá chào hàng của các nhà cung cấp.

Cục Hàng không khuyến khích các nhà khoa học, nhà sản xuất trong nước tham gia sản xuất "máy đuổi chim" sân bay

“Hiện nay, trên thế giới các nhà sản xuất hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay không nhiều. Cục Hàng không đã nhận được 3 báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài và báo cáo lên Bộ GTVT. Đây mới là giá chào hàng ở giai đoạn xin chủ trương đầu tư, đây không phải giá quyết định để đầu tư”, ông Thanh cho hay.

Cục trưởng Cục Hàng không cho biết mức giá các nhà cung cấp đưa ra cần phải được thẩm định, kiểm chứng theo đúng pháp luật đầu tư. Sau đó, sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu.

Song song với việc tìm kiếm các nhà cung cấp ở nước ngoài, Cục Hàng không cũng đã báo cáo Bộ GTVT để phối hợp với các nhà khoa học trong nước nghiên cứu hệ thống phát hiện vật thể lạ tại sân bay.

Ông Lại Xuân Thanh thông tin: “Cục Hàng không cũng đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học trong nước để triển khai dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ. Các nhà khoa học cho rằng không quá khó khi sản xuất hệ thống này”.

Cục Hàng không đã tính đến phương án sẽ thử nghiệm hệ thống do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu tại một đường băng ở sân bay nội địa.

“Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học trong nước cho biết vẫn đang tiến hành nghiên cứu, chưa tiến hành sản xuất thử nghiệm. Nếu trong nước làm được, chắc chắn hệ thống nội sẽ rẻ hơn giá của 3 nhà đầu sản xuất nước ngoài, nhưng mức rẻ hơn bao nhiêu thì chưa thể biết rõ”,  Cục trưởng Cục Hàng không cho biết.

Và nếu các nhà khoa học thử nghiệm thành công, các nhà sản xuất trong nước sẵn sàng tham gia cung cấp "máy đuổi chim" sân bay thì không phải đấu thầu quốc tế nữa.

Cuối tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không vừa tái đề xuất Bộ GTVT Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Dự án này có mục tiêu hạn chế và loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất - hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập vào sân bay.  Còn như hiện nay, sau mỗi lần cất hạ cánh của tàu bay, nhân viên sân bay lại phải ra  đường băng, rà soát các vật thể lạ.