Mối lo từ một làng rèn vùng biên

ANTĐ - Theo Quốc lộ 3 cách cửa khẩu Tà Lùng vài chục cây số, làng rèn dao lừng danh Phúc Sen của huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) hiện ra với hàng trăm lò lớn nhỏ. Tiếng búa đập inh tai, những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn tung tóe, hàng trăm con người bận rộn ở “công trường khổng lồ” giữa vùng núi đá ấy.

3 thế kỷ rèn… dao

Nghề rèn Phúc Sen đã tồn tại 300 năm

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, ông Linh Văn Phù khẳng định: “Cái làng này đã có lịch sử trên 300 năm rèn dao búa và nông cụ. Không biết người đầu tiên đem nghề về làng là ai nhưng trụ được, phát triển được là rất đáng tự hào”.

Quả thật, nếu “điểm danh” các làng nghề ở vùng cao Tây Bắc hay Đông Bắc thì ngôi quán quân chỉ có thể thuộc về Phúc Sen. 300 năm giữ nghề truyền thống, cả làng cả xã tham gia vào các lò rèn thì quả là lạ, nhất là những vùng núi đá như Cao Bằng. Ông Phù điểm sơ sơ cũng trên 160 lò rèn dã chiến có mặt ở Phúc Sen. Mỗi lò rèn trung bình cần trên 10 người thì số thợ cũng ngót nghét 2.000 nhân lực.

Tất cả thợ rèn ở đây đều là người dân tộc Nùng. “Thanh niên Nùng vốn khỏe, sức dẻo dai nên mới làm và giữ được cái nghề nặng nhọc này”, anh Nông Văn Vi - một thợ “quai búa” to như trâu mộng cho biết.

Ấy vậy mà nghề rèn dao búa của Phúc Sen cũng chỉ được xem là nghề phụ. Thu nhập cao, ổn định là thế mà vẫn phải xếp sau nghề làm nương rẫy. Thế nên, “bắt mạch” được cái “nhịp” ấy, nên bây giờ Phúc Sen còn kiêm cả rèn nông cụ nông nghiệp và các sản phẩm dành cho bà con miền núi. 

80 tuổi vẫn… quai búa

Cụ Mà Văn Định, 80 tuổi chưa phải đã là người cao tuổi nhất ở Phúc Sen nhưng là người già nhất còn “quai búa” được. Cụ Định làm thợ rèn từ khi mới 10 tuổi nên, kinh nghiệm đã cho cụ cái nhìn sắc sảo về nghề.

Chỉ cần ngửi một thanh sắt, cụ có thể biết dùng nó vào việc gì, nên rèn dao hay liềm. Thậm chí, với một khối sắt lớn, cụ đoán được chính xác thời gian nung trong lò bao lâu thì chín.

Nhờ đứa cháu gái giữ thanh sắt nung đỏ, cụ cầm chiếc búa tạ đập bồm bộp vài chục cái. Cứ thế vài lần, mồ hôi đã mướt xuống khuôn mặt đen sạm và nhăn nheo thời gian. Chẳng bao lâu, cụ Định giơ sản phẩm lên khoe: “Đây là cái liềm mà tôi làm ra, đẹp và sắc không kém tay thợ nào của làng”.

Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, hiện làng nghề còn có những tay thợ rèn ở tuổi… thiếu nhi. Các em làm thêm trong các lò rèn sau mỗi buổi học để kiếm tiền ăn học và phụ giúp cha mẹ có thêm thu nhập.

Như lời Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, ông Linh Văn Phù: “Mấy năm trước, các lò rèn cũng thi nhau mua máy móc thiết bị hiện đại về để phục vụ sản xuất. Như máy dập sắt thay cho búa đập, máy mài lưỡi dao thay cho đá mài và nhiều các thiết bị lạ lùng khác. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì tôi không thấy lò nào còn máy”.

Nói đoạn, ông Phù nghỉ uống chén trà giọng nghiêm trọng: “Không phải chúng tôi “khinh” công nghệ nhưng thực tình, những cái máy ấy không tác dụng gì với nghề rèn thủ công ở đây. Máy dập sắt không thích hợp, máy mài dao càng dở hơn. Các lò rèn ngán ngẩm, tháo từng bộ phận của máy ra cho vào lò nung đỏ chế thành dao búa hết rồi”.

Sản xuất cả “hàng lạnh”

Báo động làng rèn

Theo quan sát của chúng tôi, không ít lò rèn nơi đây còn sản xuất kiếm, mã tấu các loại. Kiếm dài, kiếm ngắn ngổn ngang trong góc xưởng. Thậm chí, họ còn làm cả bao kiếm bằng gỗ để người sử dụng dễ cầm. Một thợ rèn ở cuối xã Phúc Sen tiết lộ, mỗi tháng lò xuất được khoảng 100 sản phẩm “lạnh” gồm cả kiếm và mã tấu. Anh này còn cho biết, người đặt mua “hàng lạnh” chủ yếu ở huyện biên giới như Trùng Khánh hoặc Phục Hòa, cũng có khi là người trên thị xã xuống đặt mua với giá cao.

Qua một số lò rèn khác ở các bản, chúng tôi cũng phát hiện khá nhiều lò sản xuất “hàng lạnh”, thậm chí cả giáo mác và các thanh long đao. “Đao kiếm đang thịnh hành, bán dễ, giá cao… Lò nào cũng làm, mình không làm thì thiệt”, một chủ lò nói thẳng toẹt.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề này với ông Linh Văn Phù - Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, thì ông này biện giải: “Người ta sản xuất đao kiếm là để treo trên ban thờ hoặc bán ra bên ngoài. Chứ tôi khẳng định, trên địa bàn xã chưa từng có trường hợp dùng đao kiếm để sát phạt nhau”.