Mối lo hiệu ứng Domino từ ngân hàng Mỹ SVB sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ sụp đổ của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) đang gây hoảng loạn cho thị trường và làm dấy lên câu hỏi liệu vụ việc này có gây nên hiệu ứng Domino trong hệ thống ngân hàng, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới.
Thông tin về SVB đang chiếm sóng nhiều kênh truyền hình ở Mỹ

Thông tin về SVB đang chiếm sóng nhiều kênh truyền hình ở Mỹ

Hơn 80 tỷ USD trị giá cổ phiếu đã bốc hơi

Điều lo ngại nhất từ vụ sụp đổ của SVB đã được ông Bill Ackman, nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng, đưa ra khi so sánh SVB với Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong giai đoạn đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Viết trên Twitter, ông Ackman cảnh báo: “Rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi ở thời điểm này sẽ làm các ngân hàng có mức an toàn vốn thấp sẽ đối mặt với nguy cơ bị rút tiền ồ ạt và sụp đổ sau đó. Hiệu ứng domino sẽ xảy ra”. Trên thực tế, sau vụ đổ vỡ của SVB, đã có ít nhất gần 10 ngân hàng tại Mỹ đối mặt với tình trạng rút tiền của các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh niềm tin của nhiều nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn đã bị lung lay sau vụ ngân hàng Silvergate cũng ở California, Mỹ bất ngờ đóng cửa hồi đầu tháng 2-2023, vụ sụp đổ tiếp theo của SVB đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Hệ quả là cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Mỹ bị ảnh hưởng, với Wells Fargo & Co giảm 6%, JPMorgan Chase & Co giảm 5,4%, Bank of America Corp giảm 6% và Citigroup Inc giảm 4%. Tính ra, phiên giao dịch thứ Năm tuần trước đã làm bốc hơi hơn 80 tỷ USD trị giá cổ phiếu của 18 ngân hàng nằm trong nhóm S&P 500.

Chưa hết, theo ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, lĩnh vực đổi mới của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu các cơ quan quản lý không giải quyết suôn sẻ đợt sụp đổ của SVB. Ông Summers cảnh báo: “Có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm công ty khởi nghiệp đang lên kế hoạch dùng khoản tiền gửi của họ ở SVB để trả lương cho người lao động trong tuần tới. Nếu họ không thể rút tiền để thực hiện nghĩa vụ đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng với nền kinh tế Mỹ”.

Theo các nhà phân tích, rủi ro trước mắt đối với nhiều ngân hàng có thể không tồn tại, nhưng nó vẫn gây ra ảnh hưởng. Tuy không đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền gửi nhưng các ngân hàng sẽ buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn để có được khách hàng. Họ có để đưa ra mức lãi suất cao hơn cho người gửi tiết kiệm. Chính điều đó sẽ xói mòn những gì ngân hàng kiếm được từ việc cho vay, làm giảm lợi nhuận.

Còn với các ngân hàng vừa và nhỏ với nguồn vốn kém đa dạng hơn, áp lực sẽ lớn hơn. Họ buộc phải bán thêm cổ phiếu trong bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng cao và khi đó cổ phiếu sẽ bị pha loãng. Ông Christopher Whalen, Chủ tịch Công ty tư vấn tài chính Whalen Global Advisors cho biết: “SVB chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi không lo lắng nhiều về những ông lớn, nhưng rất nhiều ngân hàng nhỏ sẽ chịu một cú giáng khủng khiếp. Nhiều ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn chủ sở hữu”.

Không dừng ở Mỹ, tác động của vụ SVB sụp đổ đã lan sang bên kia Đại Tây Dương. Hơn 250 lãnh đạo các công ty công nghệ Anh đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, để kêu gọi chính phủ nước này can thiệp. Nội dung thư nhấn mạnh việc SVB phá sản cho thấy mối đe dọa hiện hữu với ngành công nghệ Anh. Trong tình hình kinh tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động khó khăn và hệ lụy từ tình trạng vỡ nợ sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, chứ không riêng lĩnh vực công nghệ.

Lời cảnh báo không thể coi nhẹ

Để ngăn không để xảy ra hiệu ứng Domino từ vụ sụp đổ chóng vánh của SVB, các nhà chức trách Mỹ và các nước đang phải gấp rút tìm cách đối phó. Hôm 11-03, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải gọi điện trao đổi với Thống đốc bang California Gavin Newsom về vụ sụp đổ SVB và những nỗ lực giải quyết tình hình.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã lên tiếng trấn an người dân về sức khỏe của hệ thống ngân hàng Mỹ. Trao đổi trên kênh CNN, ông Adeyemo cho biết: “Giới chức liên bang đang theo dõi định chế tài chính này. Hiện tại, chúng tôi vẫn rất tự tin vào sức khỏe của toàn hệ thống. Chúng tôi có các công cụ cần thiết để xử lý các sự kiện như SVB”. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang thì đang cân nhắc việc thành lập một quỹ cho phép các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm tiền gửi tại các ngân hàng đang gặp khó khăn, sau sự sụp đổ của SVB. Đây là một phần trong kế hoạch dự phòng của FED khi sự hoang mang đang lan rộng về tình trạng của nhóm ngân hàng tập trung vào cộng đồng đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.

Tại Anh, Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng phải lên tiếng trấn an và thông báo đang nỗ giảm thiểu nguy cơ gián đoạn có thể phát sinh từ việc chi nhánh của SVB tại nước này dừng hoạt động. Nhà chức trách Anh khẳng định hệ thống ngân hàng nước này vẫn mạnh và có sức chống chịu tốt. Các vấn đề đang ảnh hưởng tới SVB chỉ liên quan trực tiếp tới ngân hàng này và không có tác động tới những ngân hàng khác hoạt động tại Anh. Trước đó, Sky News đưa tin Ngân hàng London đang xem xét giải cứu chi nhánh tại Anh của SVB. Theo quy trình giải quyết vỡ nợ đối với các ngân hàng tại Anh, những người gửi tiền có thể được nhận 85.000 bảng (102.000 USD) bồi thường cho tiền gửi tại ngân hàng, hoặc 170.000 bảng (205.000 USD) cho tài khoản chung.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự sụp đổ của SVB hoàn toàn khác so với khủng hoảng tài chính 15 năm trước. Khi đó, các ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người nghĩ rằng tất cả đều ổn. Còn bây giờ, ai cũng lo ngại, trong khi nền tảng của các ngân hàng lại tốt hơn rất nhiều. Thêm vào đó, từ sau khủng hoảng năm 2008, Mỹ cũng đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng. Bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho biết: “Chúng tôi đã học được nhiều điều từ năm 2008, và có các công cụ tốt hơn để có thể bảo vệ các khoản đầu tư quan trọng của người Mỹ”.

Dù vậy, những gì xảy ra với SVB là lời nhắc nhở với các ngân hàng khi các điều kiện kinh tế và thị trường thay đổi nhanh chóng. Việc SVB sụp đổ đã hé lộ những thách thức nảy sinh từ quá trình nâng lãi mạnh tay nhất nhiều thập kỷ trên toàn cầu. Các ngân hàng trung ương phải nâng lãi để ghìm lạm phát. Tuy nhiên, tốc độ tăng mạnh đã tạo ra nhiều vấn đề không lường trước. Các hậu quả lâu dài càng khiến thị trường lo ngại. Ví dụ, các ngân hàng đã tích cực mua trái phiếu chính phủ Mỹ và các loại trái phiếu khác khi lãi suất ở mức thấp. Vì thế, họ hiện gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ khi lãi vay tăng khiến giá trái phiếu giảm mạnh.

Trên quy mô toàn cầu, SVB cũng có thể không phải là doanh nghiệp duy nhất cần giải quyết vấn đề này. Ông Jens Hagendorff, Giáo sư tài chính tại trường King’s College London, cảnh báo: “Nhiều tổ chức, từ các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại đến quỹ hưu trí, đều đang ngồi trên khối tài sản có giá thấp hơn nhiều giá trị trong sổ sách. Quy mô vấn đề này bắt đầu khiến người ta lo ngại rồi”. Chính vì thế, phải xem thị trường phản ứng ra sao sau khi mở cửa trở lại vào đầu tuần này mới có thể có đánh giá chính xác tác động trực tiếp và dây chuyền từ vụ đổ vỡ SVB đến đâu.