Mối họa từ tội phạm xuyên quốc gia

ANTĐ - Theo ước tính mới đây của Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), giao dịch từ các hoạt động phi pháp xuyên Đông Á và Thái Bình Dương hiện trị giá hơn 100 tỷ USD/năm, cao hơn tổng GDP của 3 nước Lào, Campuchia và Myanmar. 

Mối họa từ tội phạm xuyên quốc gia ảnh 1

Các hoạt động phi pháp ngày càng đa dạng

UNODC nhận định, trong những năm gần đây, mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia đã tăng nhanh ở Đông Nam Á, với nhiều hình thức khác nhau như: buôn người, ma túy, làm hàng giả, buôn lậu gỗ, động vật… Cốt lõi của tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng chính là lợi nhuận khổng lồ thu được ở thị trường “đen”.

Con số 100 tỷ USD/năm - “doanh thu” từ các hoạt động buôn bán phạm pháp đã và đang gây nên tình trạng bất ổn cho các quốc gia và nền kinh tế của các nước. Đồng thời cũng là nguồn làm gia tăng tình trạng chênh lệch giàu nghèo trên toàn cầu, nạn tham nhũng, bạo lực, hỗ trợ tài chính cho khủng bố và sau cùng là gây lũng đoạn quốc gia.

Theo UNODC, việc giảm bớt các trạm kiểm tra ở biên giới và cải thiện cơ sở hạ tầng đã được bọn buôn lậu tận dụng để đẩy mạnh hoạt động. Về khai thác gỗ lậu, cơ chế quản lý yếu kém của nhiều nước đã tạo cơ hội cho bọn tội phạm có thể kiếm được rất nhiều lợi nhuận mà ít gặp rủi ro. Ước tính 30% - 40% gỗ xuất khẩu của Đông Nam Á đến từ nguồn khai thác bất hợp pháp. Đường biển cũng là một cách rất đơn giản để vận chuyển kim loại bất hợp pháp và dược phẩm. Báo cáo Liên hợp quốc chỉ rõ, mỗi năm có đến hơn 500 triệu container được vận chuyển trong vùng, nhưng chỉ có 2% trong số đó là bị kiểm tra.

Trong khi đó, nạn buôn người ở Đông Nam Á cũng diễn biến rất phức tạp. Hàng nghìn người di cư, chủ yếu từ phía Tây Myanmar và Bangladesh, ước mơ tìm được công ăn việc làm ở các quốc gia giàu có hơn đã trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người. Ngoài ra, sản xuất và buôn thuốc phiện cũng tiếp tục bùng nổ, đặc biệt là ở Myanmar, nơi vẫn là xưởng sản xuất heroin lớn thứ hai thế giới sau Afghanistan.

Nguy cơ tội phạm từ chiến lược “Một vành đai, một con đường”

Ngày 31-12-2015, 10 nước trong khu vực Đông Nam Á đã nhất trí thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), với mục tiêu tiến đến một thị trường duy nhất tương tự mô hình của Liên minh châu Âu (EU). Ông Jeremy Douglas, đại điện của Liên hợp quốc tại Đông Nam Á, nhận định các nước trong khu vực đang cho xây dựng những con đường hoành tráng, lắp đặt các cơ sở hạ tầng mới và nhận thấy rằng các hoạt động giao thương của họ đang tăng 10% - 20%/năm nhưng lại không có các giải pháp để bảo vệ.

Theo ông Jeremy, đã đến lúc lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN phải gắn liền vấn đề hội nhập kinh tế với các vấn đề an ninh. Và nếu các nước không bắt đầu ngay từ bây giờ thiết lập các trạm kiểm tra hải quan và các hệ thống cảnh sát thì các nước nghèo trong khu vực sẽ phải gánh chịu các hậu quả vô cùng nặng nề.

Bên cạnh đó, UNDOC cũng bày tỏ quan ngại chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Chính phủ Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho tội phạm có tổ chức phát triển. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng hồi năm 2013 nhằm tạo nên liên kết thương mại, kinh tế giữa Trung Quốc với các nước, hướng đến nối kết 2 châu lục Á - Âu với 60 quốc gia và 4,4 tỷ dân. Nó được ví như “Con đường tơ lụa” của thời hiện đại.

Tuy nhiên, chiến lược này ẩn chứa rủi ro về an ninh đối với khu vực vì hiện vẫn còn thiếu hành lang chống tội phạm xuyên quốc gia. “Tăng cường kết nối liên vùng đã làm trầm trọng thêm mối đe dọa cho các thành viên ASEAN, như buôn bán ma túy và động vật hoang dã”, đại diện của Liên hợp quốc cho biết. Bởi lẽ, Chính phủ Trung Quốc chỉ đề cập đến những giải pháp bảo vệ môi trường và xã hội trong khi thiếu vắng giải pháp đối phó với tội phạm quốc tế.