Mỗi du khách đến Hà Nội phải được hài lòng

ANTD.VN - Năm 2016, du lịch Hà Nội cán mốc 4 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào con số 10 triệu lượt khách của cả nước. Bước sang năm mới, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã có những chia sẻ về kế hoạch cũng như những việc cần làm để tạo ra diện mạo mới và đưa ngành Du lịch Thủ đô bứt phá trong năm 2017. 

*Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu 4,08 triệu lượt khách

*Tết Dương lịch 2017: Hà Nội đón trên 200.000 lượt du khách 

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

- PV: Hà Nội vừa đón vị khách quốc tế đầu tiên đến Thủ đô vào ngày đầu tiên của năm mới 2017. Sự kiện này có ý nghĩa thế nào, thưa ông? 

- Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Vừa rồi chúng ta đã đón tiếp vị khách quốc tế đầu tiên xuống Sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay từ thành phố Frankfurt, Đức trong ngày đầu tiên của năm mới. Theo phong tục cổ truyền của người Việt thì đây là một sự kiện đặc biệt, vì nó mang ý nghĩa xông đất cho ngành Du lịch trong năm 2017.

Với ngành Du lịch, chúng tôi luôn dành những gì thân thiện, trang trọng nhất để đón tiếp vị khách đầu tiên đến thăm nhà mình. Hơn cả, không chỉ riêng vị khách đầu tiên này, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để mỗi du khách khi đến với Thủ đô Hà Nội đều phải được hài lòng. 

- Năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát triển những tuyến du lịch như thế nào để thu hút du khách?

- Ngoài khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là chuỗi sản phẩm quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, chuỗi địa điểm này cũng kết nối với Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng đến loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản. Đơn cử như múa rối nước Đào Thục và di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh.

Ở khu vực Ba Vì, chúng ta có hệ thống di tích lịch sử như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9, Đá Chông rất quan trọng. Bên cạnh đó là các điểm như làng bích họa Cổ Đô, rồi tuyến làng nghề có làng đan cỏ tế ở Phú Xuyên gắn với mô hình “homestay” - loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình. Rồi mùa hoa dã quỳ gắn với rừng quốc gia Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, thu hút du khách. 

Tới đây vào ngày 4-1, chúng tôi sẽ ra mắt điểm đạt chuẩn phục vụ du khách tại 38 Hàng Đào của doanh nghiệp sản xuất quà tặng. Địa điểm này gắn với đình Đồng Lạc và gắn với khu phố cổ, phố cũ. Tôi cho rằng những sản phẩm dịch vụ nhỏ như vậy nhưng có ý nghĩa, hình thành nên dòng du khách đến với Hà Nội. 

Hà Nội đón 4 triệu du khách quốc tế trong năm 2016

- Ông vừa nhắc đến các loại hình nghệ thuật gắn với di sản. Vậy Hà Nội sẽ đan cài, khai thác những giá trị văn hóa phi vật thể này như thế nào trong các sản phẩm du lịch? 

- Tôi cho rằng việc phát triển các loại hình nghệ thuật phải gắn chặt với các di tích lịch sử văn hóa có di sản đó. Ví dụ, với lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, chúng ta có thể xây dựng trích đoạn quan trọng từ lễ hội này, làm thành những sản phẩm như băng, đĩa cho du khách thưởng thức. Tương tự đó là các loại hình nghệ thuật khác như ca trù, rồi hát văn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa được 

UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay kể cả múa rối nước… Chúng tôi đang làm việc với các huyện có di sản này, trong đó có những người làm nghệ thuật chẳng hạn như Nhà hát Chèo để có thể thực hiện công việc như vậy. 

Từ ngày 31-12-2016 đến 2-1-2017, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 206.637 lượt người, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế đạt 53.337 lượt người (tăng 34%), khách nội địa đạt 153.300 lượt người (tăng 9%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 644 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. 

- Ấn tượng của du khách khi đến Hà Nội tác động rất lớn đến góc nhìn của du khách khi đến Việt Nam vì Hà Nội là nơi mà nhiều khách du lịch lựa chọn là địa điểm đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam. Theo ông, làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm du lịch Thủ đô?

- Chúng tôi ưu tiên đào tạo đối với những người làm du lịch tại các nơi có tác động và liên quan trực tiếp đến khách du lịch. Ví dụ đội ngũ làm du lịch tại điểm đến, những người tham gia vào các dịch vụ du lịch như lái xe du lịch… Năm vừa qua chúng tôi đã tổ chức tập huấn tại một số làng nghề, hiệu quả tương đối tốt. Tiếp đến là đội ngũ quản lý du lịch tại các hội, đoàn…

Tôi cho rằng không thể chỉ quan tâm phiến diện đến một bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch. Đội ngũ làm du lịch còn là các cán bộ, những người làm trong các cơ quan, các tổ chức… họ phải là những người hiểu việc, phải biết quản lý, phải có năng lực chuyên môn, biết ngành Du lịch Thủ đô cần gì và phải làm gì để phát triển và sự phát triển đó phải gắn với du lịch cả nước. 

- Năm vừa qua, Hà Nội đón 4 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào 10 triệu du khách quốc tế của cả nước. Kỳ vọng và mục tiêu của ngành Du lịch Hà Nội trong năm 2017?

- Chúng tôi đặt mục tiêu 4,08 triệu lượt khách đến với Hà Nội năm 2017. Sở dĩ, ngành Du lịch Hà Nội đặt ra con số khiêm tốn này vì trong năm vừa qua, để đạt được con số 4 triệu lượt khách cũng không phải dễ dàng. Đây là cột mốc ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực của thành phố cũng như cộng đồng những người làm du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Để đạt được và giữ được con số này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, đồng thời UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch 207 nhằm thực hiện Nghị quyết này. 

Riêng với ngành Du lịch, ngoài vai trò quản lý Nhà nước để giữ được hình ảnh du lịch Thủ đô, chúng tôi tập trung vào các hoạt động chuyên môn, xây dựng các sản phẩm và chuỗi dịch vụ đi theo từng thị trường khách.

Với các thị trường trong nước, chúng tôi đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với 25 tỉnh, thành phố. Vừa rồi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ký hợp tác với 14 tỉnh, thành phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đây là những tín hiệu rất tốt để mở ra điều kiện hợp tác và thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch Thủ đô trong năm tới. 

- Xin cảm ơn ông!