Trung Quốc Xây dựng đường băng phi pháp trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam:

Mối đe dọa ngày càng cận kề

ANTĐ - Trong khi Việt Nam và các nước có cùng lợi ích trong khu vực đang tập trung đối phó với hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc thì nước này lặng lẽ xúc tiến việc xây dựng đường băng trên hòn đảo chiếm được của Việt Nam, nhằm dấn thêm một bước trong mưu đồ thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay mà Trung Quốc dự định xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Yahoo! Philippines

San lấp trên quy mô lớn
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 15-5 công bố các bức ảnh cáo buộc Trung Quốc đang xây đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bức ảnh cho thấy việc san lấp đang được tiến hành trên quy mô lớn. Trên bức ảnh mới nhất, được chụp ngày 11-3-2014, người ta thấy một vệt hố màu sáng, bao quanh là màu xanh dương của nước biển. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines, đây là loạt ảnh của tình báo Philippines, cho thấy Trung Quốc đang tiến hành san lấp trên quy mô lớn tại đảo Gạc Ma. Thông cáo trên được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Manila tố cáo Bắc Kinh đang xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma nhằm nhanh chóng thực hiện các tham vọng về chủ quyền lãnh thổ đối với vùng biển chiến lược này. Ông Peter Paul Galvez, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, xác nhận các thông tin mà báo chí Philippines đưa ra trước đó rằng phạm vi di chuyển đất đá trên đảo Gạc Ma cho thấy nó có thể sẽ tạo nên một đường băng. “Nếu thực sự đây là một đường băng, chắc chắn đó sẽ là mối quan ngại an ninh lớn”, cổng thông tin    Interaksyon của Philippines dẫn lời ông Galvez cho biết. Theo một quan chức khác thuộc Bộ Quốc phòng Philippines, diện tích đất mà các tàu Trung Quốc cải tạo trên Gạc Ma có thể lên đến 31ha. Philippines cho rằng hành động của Trung Quốc đang gây bất ổn định, vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và luật pháp quốc tế. “Việc xây dựng các công trình này đi ngược lại Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông, vốn yêu cầu các bên “kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện không có người ở”. Bất kì một động thái gia cố, xâm lấn biển nào trên các bãi đá ở Trường Sa để hình thành nên các đường băng, bến cảng đều là hành động thay đổi nguyên trạng, gây căng thẳng và vi phạm DOC”, hãng tin Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Aquino nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa bất cứ cuộc xung đột tiềm ẩn nào. Lập ADIZ ở Biển Đông?
Không chỉ Philippines, các nước trong khu vực cũng quan ngại về hành động này của Trung Quốc bởi vì nó sẽ giúp thúc đẩy khả năng cơ động của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc ở vùng biển phía nam Biển Đông, vốn cách rất xa lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Kênh tin tức ANC của Philippines ngày    10-6 dẫn lời ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia     Philippines, nhận định việc Trung Quốc xây cơ sở quân sự, đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ đẩy các nước Đông Nam Á rơi vào tình thế bấp bênh. “Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, bạn có thể thấy đường băng có chiều dài hơn 1,6 km. Điều này thực sự nguy hiểm vì đây có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu như J-11 của Trung Quốc. Đảo Gạc Ma là chấm tròn ở giữa, vòng tròn xung quanh bán kính khoảng hơn 1.600 km. Phạm vi này bao gồm rất nhiều phần lãnh thổ của các nước trong khu vực. Do vậy tất cả căn cứ của chúng ta đều bị đe dọa”, ông Golez nhấn mạnh.  Cũng theo ông Golez, Trung Quốc muốn thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, loại bỏ sự thống trị của Mỹ, thông qua kế hoạch xây dựng các công trình phi pháp này. “Trung Quốc muốn củng cố sức mạnh trên Biển Đông và biến nơi đây thành ao nhà. Họ thực sự muốn khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý trong “đường lưỡi bò” tự vẽ ra và đã bắt đầu thách thức vai trò của Mỹ trong khu vực”, ông Golez nhận định. Trong khi đó, Giáo sư Richard Javad Heydarian, giảng viên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Ateneo của Philippines cho rằng Trung Quốc muốn “tạo sự đã rồi” bằng cách khai hoang, cải tạo và chiếm các vùng biển tranh chấp cùng những phần đất tại đó, từ đó tìm cách biện hộ khi đối mặt với phán quyết từ trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các láng giềng trong khu vực.   Giới phân tích cho rằng, tất cả các hành động của Trung Quốc đều được tính toán kỹ lưỡng từ trước nhằm mục đích mở rộng quyền kiểm soát ở những khu vực đang chiếm đóng trái phép và phục vụ ý đồ biến “đường lưỡi bò” phi lý trở thành hiện thực. Cũng theo các nhà phân tích, cùng với việc xây dựng đường băng ở Gạc Ma và đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến tới thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như đã từng làm trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Ông Richard Bitzinger, thành viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore và là cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), khẳng định: “Đây là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ trật tự hiện có và thay thế nó bằng các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế theo cách giải thích của riêng Trung Quốc”.  Trong khi đó, Giáo sư Artha   Nantachukra, chuyên gia về Việt Nam và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phupan (Thái Lan), nhấn mạnh toàn bộ những động thái khiêu khích - nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - cho thấy rõ mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là “độc chiếm Biển Đông”. Sâu xa hơn, Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ tuyến giao thương hàng hải; kiềm tỏa, tăng ảnh hưởng với tất cả các nước trong khu vực và các nước có lợi ích gắn liền với tuyến giao thương này, bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ.Trả giá vì các hành động ngang ngược
Những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế, các học giả và truyền thông thế giới lên án. Họ cho rằng, bằng những hành động hung hăng, Trung Quốc đang tự cô lập và sẽ hứng chịu những hậu quả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế. Tờ Nhật báo Phố Wall của Mỹ mới đây đã đăng bài viết nhận định Trung Quốc “sẽ phải trả giá vì các hành vi hiếu chiến”. Theo bài viết, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ khiến nước này mất uy tín trên trường quốc tế. Sự tổn thất có thể còn tăng nếu các quốc gia châu Á khác thực hiện bước đi pháp lý tương tự. Hơn nữa, sự hung hăng của Trung Quốc đang đẩy các nước Đông Nam Á đến gần Mỹ hơn. Đó là chưa kể một loạt quốc gia đang xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, đối thủ chính của Trung Quốc tại khu vực. Các chuyên gia quân sự nhận định có nhiều triển vọng để các nhóm trong khu vực hợp nhất và làm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc. 
Mối đe dọa ngày càng cận kề ảnh 2
Philippines công bố ảnh chụp cho thấy tàu Trung Quốc đang vận chuyển trái phép vật liệu xây dựng đến đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông do vụ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc lại đang có kế hoạch xây các đảo nhân tạo theo kiểu Dubai, với mục tiêu là kiểm soát hoàn toàn vùng biển này. Theo lời các ngư dân và các quan chức Philippines, được hãng tin Bloomberg trích dẫn ngày 11-6, Trung Quốc hiện đang chuyên chở vật liệu xây dựng đến quần đảo Trường Sa để xây lên những đảo mới ở khu vực này.

Gạc Ma là một rạn san hô thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nằm ở vĩ độ 9°42′B và kinh độ 114°17′Đ, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đảo đá Gạc Ma là rạn đá màu nâu và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển còn đa phần đá này chìm dưới nước. Đảo đá này cách đảo đá Cô Lin hơn 3 km về phía đông nam và đánh dấu đầu mút phía tây nam của cụm Sinh Tồn. Trung Quốc chiếm đóng trái phép và kiểm soát đảo đá này từ năm 1988 sau trận Hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988 làm 64 chiến sĩ Hải quân QĐND Việt Nam hy sinh.