Mơ thành doanh nhân
(ANTĐ) - “Em biết ước mơ ấy sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nhưng có ai cấm ước mơ đâu đúng không hả chị” - Nguyễn Thu Thương vừa cười vừa nói với tôi như thế. Thật cảm phục em, cô bé mắc căn bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên bằng những việc làm dù nhỏ nhưng mang lại những giá trị tinh thần lớn lao.
Ngày hội thể thao văn hóa phụ nữ Thủ đô có một gian hàng chỉ có vài sản phẩm do các bạn áo xanh tình nguyện đứng quầy. Giá của những sản phẩm bán trong đó không hề rẻ, khiến khách hàng xem nhiều hơn mua.
Khi có người hỏi, sao bán đắt vậy, mấy cô cậu áo xanh tình nguyện cười hiền lành: “Anh chị mua đi, hàng của người khuyết tật làm đấy, hoàn toàn thủ công nên nó không thể hạ giá hơn được”. Và đôi bàn tay làm ra những sản phẩm ấy lại của một người đặc biệt - Nguyễn Thu Thương, cô bé bị bệnh xương thủy tinh.
Làng quê Phú Xuyên, Hà Tây ngày Thương chào đời một phen xao động vì cô bé sinh ra có hình hài không bình thường. Mẹ khóc vì không biết đặt tên con là gì, đặt tên đẹp thì người làng bảo có xinh xắn gì đâu mà lấy tên ấy, đặt tên xấu thì sợ con tủi thân.
Mỗi lần thay tã, em khóc nhiều vì mẹ đâu biết em đã bị gãy xương, gãy nhiều đến mức, cánh tay sau một lần nắn lại không đạt chuẩn, đã cong thành hình con tôm. Bàn tay em mềm, ấm nóng nhưng tôi chỉ dám xoa nhẹ và không dám cầm lâu, sợ em đau hay lại làm gãy xương của em.
Nói chuyện với em, thỉnh thoảng lại thấy em lén lấy tay che lên đôi mắt, tôi chắc nó đang lấp loáng nước. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là nụ cười của em, nụ cười giòn tan làm tươi mát hơn cái buổi sáng hanh khô cuối tháng 11.
Vừa nói chuyện với tôi, em vừa tranh thủ xâu kim, hoàn thành nốt cái đèn bàn bằng cúc áo. Em bảo, giá nó đắt với người mua thì em không dám phủ nhận nhưng một cái đèn này, 2 tuần em mới làm xong một cái, trừ chi phí nguyên liệu, mỗi ngày chỉ được 10.000 đồng tiền công, gọi là thêm tí chút giúp mẹ nuôi em.
Thương học nghề này ở đâu? - tôi hỏi và nhận được câu trả lời: Một lần xem tivi, em thấy có bác Minh Hiền là chủ cơ sở sản xuất Vì ngày mai, dạy các bạn khuyết tật làm các sản phẩm để bán. Em coi bác ấy là thần tượng và mong một ngày sẽ được đến đấy. Thế rồi em lùng tìm địa chỉ, và khẩn khoản thuyết phục bố mẹ cho em đến đấy chơi, để được học nghề như các bạn.
Mẹ em đưa em đến, đề nghị bác Hiền cho em ở đây chơi, xem các bạn làm việc và nói với bác, em bị bệnh như thế, các bạn nên tránh xa. ở đấy một ngày, em không nghĩ mình sẽ đến đây lần nữa vì đi đường rất sợ người khác va vào mình sẽ gãy xương. Khi về, bác Hiền có cho một cái chụp đèn bằng cúc áo để làm kỷ niệm.
Và từ cái sản phẩm mẫu ấy, đều đặn trong suốt 3 năm, gia đình tạo điều kiện cho em bằng cách đến lấy nguyên liệu mang về nhà làm và trả hàng cho cơ sở sản xuất Vì ngày mai. Mãi đến năm 2006, Thu Thương mới tự mình mở riêng tại nhà và được các bạn tình nguyện viên bán hàng giúp.
Những sản phẩm Thương làm ra không nhiều, chỉ là những chiếc áo móc, những chiếc khăn len, chiếc đèn bàn bằng cúc áo, những chiếc túi đeo điện thoại... Song nó thể hiện sự vươn lên không ngừng của một cô gái chưa từng một lần ngồi dậy.
Thương cũng đã xin phép mẹ cho xin một phòng nhỏ phía trước nhà, tập hợp các bạn khuyết tật như mình, dạy nghề và cùng làm sản phẩm. Em cũng dự định sẽ bán hàng qua mạng, thông qua blog cá nhân của mình bởi em mơ mình sẽ trở thành một doanh nhân, trước hết chưa phải vì kinh tế mà vì một sự biết ơn bố mẹ, người đã sinh ra em và đã nỗ lực hết mình vì em.
Châu Anh