Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

ANTĐ - Tại hội thảo tổ chức chiều qua 4-2, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thông tin về những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong đó tập trung ở các nội dung cơ bản như chính sách khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia bảo biểm xã hội; điều kiện hưởng lương hưu; mức lương hưu hàng tháng; điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp lương hưu… 

Đây là cuộc hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức với chủ đề “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014” nhằm giới thiệu những nội dung mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tới các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và tìm các giải pháp thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. 

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên), đồng thời bỏ các ràng buộc về điều kiện tham gia nhằm tăng nhanh diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 25 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và 3 triệu người tham gia tự nguyện (chiếm khoảng 50% lao động). Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 16 triệu người có quan hệ lao động từ 3 tháng trở lên nhưng chỉ 11,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, số người có quan hệ lao động từ 1 tháng trở lên vẫn chưa thể xác định được, nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai áp dụng Luật mới. 

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số người “đứng ngoài cuộc” bảo hiểm xã hội hiện còn rất cao, khoảng 37 triệu người với phần lớn là nông dân, lao động không có hợp đồng lao động. Đây thật sự là vấn đề khó khăn, vì khi về già, những người này không được hưởng các chính sách từ bảo hiểm xã hội. Do vậy, phải có các biện pháp nhằm thu hút được nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh xã hội về sau.