Mở cửa cho trẻ thơ đến với hội họa

(ANTĐ) - Thật sự bất ngờ khi biết rằng trong một khu tập thể cũ của Thủ đô Hà Nội tại quận Thanh Xuân lại có một câu lạc bộ mỹ thuật dành cho trẻ em đang hoạt động sôi nổi. Câu lạc bộ ấy mang cái tên ngộ nghĩnh “Cốc Cốc Cốc” do họa sỹ trẻ Nguyễn Việt Hòa làm chủ nhiệm. Anh là một người đã tự mở cửa tâm hồn mình một cách rộng rãi, đồng thời cũng mở ra cánh cửa đến với hội họa cho nhiều em nhỏ.

Mở cửa cho trẻ thơ đến với hội họa

(ANTĐ) - Thật sự bất ngờ khi biết rằng trong một khu tập thể cũ của Thủ đô Hà Nội tại quận Thanh Xuân lại có một câu lạc bộ mỹ thuật dành cho trẻ em đang hoạt động sôi nổi. Câu lạc bộ ấy mang cái tên ngộ nghĩnh “Cốc Cốc Cốc” do họa sỹ trẻ Nguyễn Việt Hòa làm chủ nhiệm. Anh là một người đã tự mở cửa tâm hồn mình một cách rộng rãi, đồng thời cũng mở ra cánh cửa đến với hội họa cho nhiều em nhỏ.

Tôi gặp được Hòa vào một sáng thứ bảy, đúng buổi dạy vẽ định kỳ trong tuần của câu lạc bộ. Trong một gian phòng nhỏ chừng 20 m2,  hơn 10 em nhỏ đang say sưa vẽ. Em thì dùng sáp màu để tô, em thì lấy màu nước quệt từng nét ngộ nghĩnh lên trang giấy. Hòa vừa hướng dẫn vừa khuyến khích các em tưởng tượng ra những sắc màu và hình khối.

Các bức tường của căn phòng dựng đầy tranh của các em  tạo ra một không gian đầy màu sắc trẻ thơ, đáng yêu vô cùng. Sinh năm 1978, cái tuổi không còn trẻ nhưng cũng chưa già, cái tuổi mà như Hòa tự nhận là chơi vơi bởi còn thiếu rất nhiều thứ. Ngay từ ngày còn là học sinh sinh viên, Hòa đã nhận thấy ở trong mình đòi hỏi tìm kiếm một con đường mà ở đó Hòa tin tưởng và mong muốn được là chính mình, chứ không phải một Việt Hòa chằn chặn trong khuôn đúc của gia đình và công sở.

Hội họa đến với Hòa tự nhiên và như một định mệnh. Người thầy, người dẫn dắt Hòa là cô Đặng Thị Khuê. Nguyễn Việt Hòa đã đến với hội họa bằng chính nhu cầu cần được thỏa mãn nội tâm của mình.

Câu lạc bộ Cốc Cốc Cốc do Hòa thành lập được hơn 2 năm, bằng tấm lòng yêu mến trẻ em và muốn gợi mở cho trẻ em về những giá trị thẩm mỹ của hội họa, các chương trình giáo dục của câu lạc bộ đã có được những kết quả nhất định đáng khích lệ. Tâm sự về hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em, Hòa nói: “Từ chính sự trải nghiệm về bản thân mình mà tôi quyết định thành lập câu lạc bộ Cốc Cốc Cốc, chuyên hướng dẫn và giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em. Tôi nhận thấy chính mình thiếu thốn rất nhiều về đời sống văn hóa mỹ thuật, bây giờ khi tôi thấy phát hiện ra trẻ em bây giờ rất cần được giáo dục và hướng dẫn về nghệ thuật và thẩm mỹ, nên đã mạnh dạn thành lập câu lạc bộ Cốc Cốc Cốc. Cái tên đó chính là từ bài thơ “Mời vào” của nhà thơ Võ Quảng …”.

Việc mở ra một không gian cho trẻ em được phát triển thẩm mỹ chính là sự thành công của “Cốc Cốc Cốc”. CLB đã tổ chức nhiều triển lãm và mỗi triển lãm đều lấy tên một câu thơ của nhà thơ Võ Quảng như triển lãm “Cốc, Cốc, Cốc” tổ chức tại hội thơ Rằm tháng Giêng 2009 tại Văn Miếu, triển lãm “Mời xem” tổ chức ở Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội vào Trung thu 2009, triển lãm “Reo hoa lá’’ được tổ chức tại trường Tiểu học Thanh Xuân Trung nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2009. Gần đây nhất câu lạc bộ “Cốc Cốc Cốc” cùng với Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt tập thơ Võ Quảng mang tên “Anh đom đóm”. Toàn bộ tranh minh họa là do các họa sỹ nhí của câu lạc bộ thực hiện.

Tiến sỹ Đặng Thị Khuê, nữ nghệ sỹ sắp đặt của Việt Nam tâm đắc: Rõ ràng giáo dục thẩm mỹ là vô cùng quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một con người, càng quan trọng và cấp thiết khi hoàn cảnh xã hội hiện nay có quá nhiều sản phẩm văn hóa độc hại đang tác động hàng ngày hàng giờ tới trẻ em Việt Nam, một người như Hòa đang làm công việc gieo mầm tư duy thẩm mỹ. Không hy vọng tất cả các em nhỏ tại CLB này sẽ trở thành họa sỹ cả, nhưng chắc chắn nền tảng về thẩm mỹ ban đầu sẽ được hình thành và bồi đắp, để mai sau trở thành con người có ích, có hiểu biết về nghệ thuật, có khả năng tư duy và thưởng thức vẻ đẹp.

Vừa qua, Hòa và các bạn đồng sự cùng các phụ huynh thực hiện một hoạt động triển lãm tranh rất độc đáo mang cái tên “Cả đất trời, đang chờ đón’’ trong không gian của Bảo tàng không gian văn hóa Mường tại thành phố Hòa Bình. Màu sắc của trẻ thơ đã lên với xứ Mường huyền bí, giữa trời đất đang rộng mở, qua đó vừa tạo ra không gian thoáng đãng cho việc trưng bày tranh, vừa gợi mở trí tưởng tượng cũng như sự cảm thụ văn hóa cho các em nhỏ. Những họa sỹ nhí đã đến với cội nguồn văn hóa dân tộc, được tiếp xúc trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Câu thơ “Đi khắp miền làm việc tốt” chính là tâm niệm tốt đẹp khái quát quan điểm nghệ thuật của Hòa và câu lạc bộ Cốc Cốc Cốc mà anh sáng lập. Hòa mong muốn mô hình câu lạc bộ sẽ được nhân rộng, để cánh cửa nghệ thuật - hội họa sẽ luôn rộng mở với trẻ thơ.

Minh Hiền