Minh bạch độ ô nhiễm

ANTĐ - Không đến mức quá sửng sốt khi mới đây Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos công bố kết quả, Việt Nam “được” xếp hạng trong 10 quốc gia có môi trường không khí tệ nhất thế giới. Cũng chẳng có gì “kinh ngạc” khi Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm đứng đầu Đông Nam Á theo những ý kiến đánh giá của giới chuyên gia tại Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị” vừa diễn ra ở Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải hoạt động giao thông chiếm 70% tỷ lệ “đóng góp” gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Với khoảng 4 triệu phương tiện giao thông hiện nay, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Đây là các độc tố làm giảm trí nhớ, khả năng nhận thức, phối hợp động tác giữa mắt và tay, gia tăng tỷ lệ ung thư. Giám đốc bệnh viện Phổi trung ương cho biết, 7 năm trước 70% bệnh nhân bị bệnh lao còn hiện nay phần lớn là người mắc các bệnh như viêm phổi, phế quản, nấm phổi phế quản, hen suyễn, dị ứng chủ yếu do khói bụi. Bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính là một trong những nhóm người gánh hậu quả nặng nhất của không khí thiếu trong sạch. Năm 2005, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh này phải điều trị trong bệnh viện Phổi, thì nay con số đã lên tới 60-70%. Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo, tỷ lệ mắc bệnh này trong dân số đang tăng cao và gây tử vong rất cao, chỉ đứng sau bệnh động mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.

Một thạc sỹ trường Đại học Y Hà Nội nhận xét, sự gia tăng số bệnh nhân này trong những năm gần đây là tiếng chuông cấp báo về điều kiện sống kém, đặc biệt là không khí bẩn. Thói quen đeo khẩu trang khi ra đường với hy vọng giảm thiểu tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, thực ra chỉ mang yếu tố tâm lý, chứ chưa thể khẳng định tác dụng hữu hiệu ngăn chặn mắc các bệnh hô hấp. Dù sao đó cũng là cách “phòng thân” duy nhất của người dân một cách thụ động. Bởi tới thời điểm này, chỉ có hai trạm quan trắc đặt tại quận Cầu Giấy và Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Để đánh giá bao quát môi trường không khí Hà Nội, ít nhất phải cần tới 10 trạm mới có thể “phủ sóng” toàn địa bàn. Đó là ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Mặc dù chỉ mới có 2 trạm, song theo Trung tâm Quan trắc môi trường, kết quả gần đây chứng tỏ, chất lượng môi trường không khí Thủ đô đang suy giảm mạnh, tình trạng ô nhiễm bụi ngày càng gia tăng. Hàng loạt “điểm đen” ô nhiễm khí CO2, SO2 và tiếng ồn tại một số nút giao thông, khu công nghiệp đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng không khí. Một chuyên gia thuộc Công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng của Pháp cho biết, hàm lượng bụi cực mịn hết sức nguy hiểm ở Hà Nội cao gấp 4 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tương đương 2 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nếu không có biện pháp thì nồng độ phát thải bụi tại Hà Nội vào năm 2020 sẽ gấp 10 lần.

Có lẽ biện pháp cấp bách nhất hiện nay theo một chuyên gia hàng đầu về môi trường không khí Việt Nam, là mọi dữ liệu cần phải được tổng hợp và công bố trên website để các nhà khoa học và người dân có thể theo dõi. Điều này không chỉ cho thấy sự “chung sống” nguy hiểm với ô nhiễm, mà minh bạch thông tin độ ô nhiễm để đánh giá hiệu quả đầu tư cải thiện môi trường như thế nào.