Mexico khó ngăn chặn di sản văn hóa giao dịch khắp châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mexico tin rằng, nhóm tinh hoa trong giới chơi nghệ thuật đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhờ thị trường buôn bán hiện vật khảo cổ rất giá trị thuộc về văn hóa Mexico.
Những hiện vật khảo cổ của Mexico được bán đấu giá tại Pháp đầu tháng 11-2021

Những hiện vật khảo cổ của Mexico được bán đấu giá tại Pháp đầu tháng 11-2021

Trong ngôi nhà của một triệu phú người Đức có một công cụ cổ đại được chế tác từ đá núi lửa với niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. Người phụ nữ này cũng sưu tầm một bức tượng Aztec khổng lồ cùng với một số hiện vật khảo cổ khác. Ở châu Âu, chúng được xem như những món đồ sưu tầm dễ thương. Thậm chí, trong một lần mở bán duy nhất vào năm 2019, nhà sưu tập người Đức Manichak Aurance đã bán đấu giá tới 94 hiện vật.

Đầu tháng 11-2021, nhà đấu giá Christie’s uy tín ở Pháp đã đưa ra 72 vật phẩm mà Chính phủ Mexico đã đặc biệt yêu cầu họ không được làm như vậy, thậm chí gọi cuộc đấu giá là “bất hợp pháp”. Nhưng thực tế, đã có những món đồ được trao đổi lên tới 800.000 USD. Đại sứ quán Mexico tại Pháp cho biết, họ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao của Pháp để chia sẻ mối quan ngại về cuộc đấu giá này.

Chính quyền Mexico hiện tại đã tăng cường khôi phục các di sản khảo cổ quốc gia đang lưu lạc ở nước ngoài. Kể từ khi Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador nhậm chức cách đây 4 năm, đất nước này đã thu hồi được hơn 5.000 vật phẩm khảo cổ, lịch sử, nghệ thuật và dân tộc học. Gần đây nhất, vào tháng 9 năm nay, một cuộc đấu giá do Bertolami Fine Arts tổ chức ở Rome đã bị đình chỉ sau khi Mexico tuyên bố các tác phẩm rao bán thuộc về di sản văn hóa của nước này. Nhà nghệ thuật đã quyết định hủy bỏ sự kiện và các nhà chức trách Italia đã mở một cuộc điều tra.

Dưới quan điểm của Mexico, mọi hiện vật khảo cổ học hiện đang ở nước ngoài đều coi là bị đánh cắp, do các quy định chống buôn bán di sản văn hóa của nước này đã có từ những năm 1800. “Lịch sử của chúng tôi không phải để bán”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Mexico Alejandra Frausto cho biết trong cuộc họp báo ngay sau cuộc đấu giá của hãng Christie’s. “Những đồ tạo tác này không phải là đồ trang trí xa xỉ cho một ngôi nhà, chúng là một phần của những gì tạo nên văn hóa Mexico”.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia chỉ dựa vào thời điểm năm 1970, khi UNESCO công bố một điều ước quốc tế quy định rằng, tất cả tài sản văn hóa thuộc về quốc gia xuất xứ của nó và không thể nhập khẩu, xuất khẩu hoặc chuyển giao.

Tất cả các hiện vật được rao bán hiện nay đều được mô tả là đã thu được trước năm 1970 để chứng minh tính hợp pháp của chúng. Trong một tuyên bố bằng văn bản, người phát ngôn của Christie’s viết: “Chúng tôi dành nguồn lực đáng kể để điều tra xuất xứ của các tác phẩm, bao gồm cả yêu cầu người bán cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu. Trong trường hợp chuẩn bị đấu giá, quy trình kiểm tra đều đã được thực hiện và chúng tôi không có lý do gì để tin rằng, tài sản đến từ một nguồn bất hợp pháp hoặc trái luật khi rao bán”.

Bởi thế, những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc bán di sản văn hóa của Mexico ở châu Âu dường như đang diễn ra chậm chạp. “Vấn đề chính là nhu cầu, người mua. Phần lớn họ là những người châu Âu giàu có, những người cảm thấy quyền lực và sành điệu. Nếu không chú ý đến người mua là ai, sẽ rất khó để ngăn chặn việc buôn bán và thương mại hóa những tác phẩm này”, Daniel Salinas Córdova, một nhà nghiên cứu và khảo cổ Mexico sống ở Đức nói. Nhưng việc tiếp cận được với người mua là gần như không thể vì các nhà đấu giá không có nghĩa vụ phải chia sẻ thông tin về khách hàng của họ.

Trong năm 2021 này, chỉ riêng châu Âu đã có 23 cuộc đấu giá với tổng số khoảng 1.000 hiện vật cổ của Mexico được bán ra. “Thật đáng buồn khi người Mexico không thể biết có bao nhiêu hiện vật đang ở trong nhà của những người châu Âu giàu có và quyền lực. Chúng tôi chỉ tìm hiểu về chúng khi họ chết và những mảnh đó được đem ra bán đấu giá”, ông Córdova nói.