Mệnh lệnh trái tim vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù tình nguyện xung phong đi đến các tâm dịch tại phía Nam hay ở lại “gác cửa” thành trì chống dịch cuối cùng tại Thủ đô, các y bác sĩ Hà Nội đảm nhận trọng trách chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 đã trải qua một năm vô cùng mệt mỏi nhưng đầy ý nghĩa. Họ đã sống, làm việc và cháy hết mình với lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, vì tính mạng mỗi bệnh nhân, vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch.

Hàng chục nghìn y bác sĩ tình nguyện vào tâm dịch

Cuối tháng 7-2021, sau khi mệnh lệnh “chi viện” cho miền Nam của Bộ Y tế phát ra, “làn sóng” thầy thuốc tình nguyện vào Nam sôi sục tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Hàng chục nghìn cán bộ y tế đã gác lại hạnh phúc cá nhân, quên đi nỗi sợ hãi để xung phong vào thẳng “chiến trường” trong những ngày dịch Covid-19 “nóng” nhất…

Chỉ vài chục phút sau khi đưa ra thông báo của bệnh viện tới các đồng nghiệp trong khoa về việc lập danh sách nhân lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch, bác sĩ Hoàng Tùng - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Việt - Đức đã nhận được ngay hàng chục tin nhắn tới tấp xin được vào Nam. Từ các bạn trẻ đến nhân viên sắp nghỉ hưu, người có con nhỏ, cha mẹ bệnh nặng, lại có cả tình huống vợ chồng cùng công tác tại viện “tranh nhau” đăng ký vào TP.HCM chống dịch.

Vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ (Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai) cùng tình nguyện vào Nam chống dịch Covid-19

Vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ (Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai) cùng tình nguyện vào Nam chống dịch Covid-19

Tại Bệnh viện Bạch Mai, có hai vợ chồng điều dưỡng trẻ làm việc ở 2 khoa khác nhau cùng lúc gửi tin nhắn tới lãnh đạo khoa đăng ký vào Nam hỗ trợ chống dịch. Đó là vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1996, nhân viên Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai), thậm chí cả hai vợ chồng phải nghĩ cách giấu gia đình để đi chi viện. “Không sợ khổ khi vào tâm dịch, chỉ lo bố mẹ hai bên không đồng ý”, vậy là đôi vợ chồng trẻ quyết định không thông báo cho gia đình mà âm thầm lên đường. Họ chỉ có vài giờ đồng hồ ngắn ngủi trong buổi sáng để chuẩn bị hành lý, đồ dùng cá nhân và bàn giao công việc ở bệnh viện trước chuyến đi vào tâm dịch…

TP.HCM giữa mùa hè, thời tiết vốn đã hết sức nóng bức, không khí ở các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng càng bức bối. Mỗi ngày, những thầy thuốc, nhân viên y tế từ phía Bắc vào tăng cường chống dịch như chị Nguyễn Thị Huệ đều phải mặc đồ bảo hộ suốt thời gian làm việc hàng chục tiếng trong phòng không điều hòa nhiệt độ, mồ hôi ướt sũng từ bên trong. Những gương mặt hằn vết khẩu trang. Những tấm kính chắn mờ hơi nước nhưng không được lau. Những đôi bàn tay nhăn nheo, da co dúm cả lại vì đeo găng tay y tế liên tục. Chưa kể, bàn chân bị trợt loét vì ngâm quá lâu trong mồ hôi của chính mình.

Trong khu hồi sức tích cực bệnh nhân

Covid-19 nặng, bệnh nhân đều phụ thuộc hết vào thầy thuốc. Điều dưỡng viên ngoài chăm sóc, vệ sinh người bệnh, cho bệnh nhân ăn, quạt cho bệnh nhân ngủ, dỗ dành họ uống thuốc, tiêm truyền, thì còn phải theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường để xử trí cấp cứu kịp thời những ca thở máy…

Quay cuồng, vội vã. Số lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng, áp lực dồn áp lực, đâu đó đã có người muốn gục ngã. “Nhưng cứ nghĩ đến bao nhiêu bệnh nhân nằm bất động trên giường bệnh không tự chủ được, các đồng nghiệp cũng đang vắt kiệt sức để cứu chữa bệnh nhân, cán bộ y tế như chúng tôi lại tự nhủ bản thân không thể gục ngã lúc này” - điều dưỡng Tạ Văn Thành ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chồng điều dưỡng Huệ - xúc động nhớ lại...

Suốt nhiều tháng trời, ở nơi không còn biết nắng - mưa - ngày - tháng - lễ - Tết hay cuối tuần, nơi tất cả các nhân viên y tế đang nỗ lực cao nhất để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần thì niềm vui của mỗi thầy thuốc là khi người bệnh từng bước phục hồi. Vợ chồng chị Huệ - anh Thành chia sẻ: “Mỗi bệnh nhân khỏe lên từng ngày, anh chị em mừng lắm. Cứ như người thân của mình vừa thoát khỏi cửa tử vậy”…

PV Tiến Hưng

PV Tiến Hưng

Chính người trong cuộc cũng…không thể tin nổi

Khi miền Nam và các tỉnh bạn cần, một lực lượng lớn cán bộ y tế của Hà Nội và bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn sẵn sàng xuất quân. Những người ở lại hậu phương ngày đêm “giữ” thành trì, sẵn sàng ứng trực ở mức cao nhất. Những tháng cận Tết Nguyên đán 2022, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội liên tục lập đỉnh mới, tăng chóng mặt với hơn 2.000 ca/ngày. Hàng trăm nghìn cán bộ y tế ở Thủ đô từ tuyến xã, phường đến các bệnh viện lớn lại căng mình ứng phó với đợt dịch mới.

Tại các bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng (bệnh viện tầng 3) ở Hà Nội, không khí những ngày cuối năm càng gấp rút, chộn rộn. Các khu điều trị đều đã quá tải. Áp lực làm thế nào để hạn chế số ca chuyển nặng, hạn chế thấp nhất số ca tử vong dồn lên người thầy thuốc, các nhân viên y tế và và chính những người bệnh.

Nhắc tới “nhiệm vụ đặc biệt” này, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - khoa Hồi sức tích cực (ICU) thuộc Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ cười. Chị nhớ lại trường hợp nữ bệnh nhân 37 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, vào viện trong tình trạng nguy cấp nhưng nhất định không cho thầy thuốc lấy máu xét nghiệm, thở oxy và truyền thuốc dù có tới 3 nam bác sĩ được huy động giữ tay, chân chị…

Chợt nhận ra, do bị thiểu năng trí tuệ, người phụ nữ mắc nhiều bệnh nền đang giãy giụa không ngừng kia tâm hồn và trí tuệ chỉ như đứa trẻ, bác sĩ Hoa nảy ra “chiêu” dỗ dành, thủ thỉ với bệnh nhân. “Đây là thuốc thần, tiêm vào có thể trở nên xinh đẹp, thông minh. Chị có muốn làm cô giáo, làm bác sĩ không?” - nữ bác sĩ tỉ tê. Gương mặt nữ bệnh nhân giãn ra, dịu lại, hai tay thôi gồng cứng, chân thôi giãy giụa. “Thích làm cô giáo” - nghe vậy, bác sĩ Hoa biết mình đã thành công. Nhưng bệnh nhân vẫn còn e ngại, chưa đưa tay ra lấy máu, nữ bác sĩ lại tiếp tục dỗ dành. Nhìn nụ cười ngô nghê của người phụ nữ 37 tuổi, người mẹ như chị Hoa vừa mừng vừa thương. Chỉ các thầy thuốc chỉ chậm ít phút thôi, nụ cười ấy có thể sẽ mãi mãi tắt… Được dỗ dành bằng “thuốc thần”, bệnh nhân U40 hợp tác ngay, mối nguy về khả năng hô hấp của bệnh nhân được cải thiện…

Bình thường, việc chăm sóc bệnh nhân trong khu vực ICU phần lớn phụ thuộc vào các điều dưỡng. Với bệnh nhân Covid-19 nặng/nguy kịch, việc đó là 100%. Điều đáng nói là không phải bệnh nhân nào cũng sẵn sàng hợp tác với các thầy thuốc bởi việc đeo máy hỗ trợ hô hấp rất khó chịu. Đặc biệt là với các F0 cao tuổi phải thở ôxy mask liều cao, tâm lí không muốn ở bệnh viện. Có những cụ 80 tuổi thường xuyên “nhớ nhớ quên quên”, có cụ lại xông ra ngoài “xin phép lãnh đạo cho tôi về”. Vì thế, dỗ dành, thuyết phục bệnh nhân hợp tác điều trị là một trong những công việc “phi chuyên môn” mà những thầy thuốc khu ICU Bệnh viện Thanh Nhàn hay ở các khu điều trị F0 nặng, nguy kịch như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đức Giang, Đại học Y Hà Nội… phải thực hiện, ngoài những chỉ định y khoa liên tục được đưa ra.

“Không thể tin nổi tôi và đồng nghiệp đã và đang trải qua những tháng ngày áp lực kinh khủng đến thế” - bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Bệnh viện Thanh Nhàn nhớ lại. Chị kể, có những lúc cảm giác mệt tới sắp ngất lịm đi, thời gian làm việc liên tục, không ít ngày cao điểm, cả nhóm làm việc gần như 24/24 giờ. Thậm chí có những bác sĩ, điều dưỡng viên làm việc quên thời gian, đến nỗi phải có đồng nghiệp gọi ra thay ca vì… sợ ngất mất.

Dù mới đây, Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế bố trí ca, kíp trực để đảm bảo nhân viên y tế không phải trực triền miên quá 8 tiếng mỗi ngày. “Thế nhưng bệnh nhân trở nặng đâu có chọn giờ”. 1 giờ, 3 giờ rồi 5 giờ sáng, cứ có người bệnh gọi, nhân viên y tế lại nhập cuộc. Chuyện làm việc quên thời gian, quên mất rằng mình có quyền nghỉ ngơi đến nỗi cảnh “cơm chờ người đến nguội ngắt” trở nên “thường tình” không chỉ xảy ra ở khu điều trị Covid-19 Bệnh viện Thanh Nhàn, mà có thể bắt gặp tại các cơ sở điều trị khác ở Hà Nội. Hàng nghìn y bác sĩ đang ngày đêm chạy đua thời gian để giữ mạng sống cho bệnh nhân.

Cuộc chiến với Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Nhưng dù dịch bệnh có đeo đẳng, kéo dài đến bao lâu, có thể khiến chúng ta suy giảm cả về tinh thần và vật chất, thì với những “chiến sĩ áo trắng”, họ không được phép kiệt sức, không được phép chùn chân vì đồng hành với họ là tính mạng mỗi con người bằng một mệnh lệnh của chính mình vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch.