Mệnh lệnh của Quốc hội

ANTĐ - Kết thúc kỳ họp thứ 4, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm sang năm 2013 hàng tồn kho sẽ giảm dần theo cơ cấu ngành; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn hàng, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nâng cao đời sống của nhân dân…

Đặc biệt, Quốc hội ra mệnh lệnh với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Năm 2013, tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh”. Quốc hội cũng yêu cầu Thống đốc điều hành hoạt động của thị trường tín dụng bảo đảm cung ứng vốn cho những ngành sản xuất, mặt hàng quan trọng tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời kiềm chế lạm phát theo chỉ tiêu đã được Quốc hội xác định; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với giải quyết chất lượng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, công ty tài chính và giải quyết nợ xấu, giảm nợ xấu. Hơn thế, Quốc hội còn lưu ý Thống đốc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động, ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường vàng. Làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, bảo đảm lợi ích của người dân…

Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tập trung điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu. Có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, bảo đảm từ nay đến cuối năm 2013, tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Cùng là mệnh lệnh của Quốc hội với hai vị “tư lệnh ngành”, song có thể nói như nhận xét của một số đại biểu Quốc hội, mệnh lệnh, trách nhiệm đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nặng nề, khó khăn gấp bội. Những khó khăn, hạn chế hay tồn tại, yếu kém, khuyết điểm không dễ gì khắc phục trong ngày một ngày hai.

Một đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, với các bộ, ngành, không chỉ chồng chéo chức trách, nhiệm vụ, mà còn chưa thể hiện rõ quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao của “tư lệnh”. Chẳng hạn, một vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay là nợ xấu và hàng tồn kho dù đã được chất vấn và “mổ xẻ” nhiều, nhưng hầu như chưa thấy lối ra cụ thể, chưa thấy những giải pháp sáng sủa. Nếu vấn đề này kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của đất nước và đời sống người dân sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, còn một câu hỏi “treo” ngay trong đại biểu Quốc hội cũng như cử tri: Đảng đã nhận định có nhóm lợi ích. Vậy thì có hay không nhóm lợi ích ở ba lĩnh vực hiện nay đang tái cơ cấu là đầu tư công, tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

Bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ra một số nghị quyết về nhiều vấn đề hệ trọng được cử tri đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ ra mệnh lệnh với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với thời hạn đến năm 2015 phải có một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Điều này cho thấy tính chất cấp bách, hệ trọng và quyết định của cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, huyết mạch của toàn bộ nền kinh tế. Mệnh lệnh của Quốc hội cũng chính là “mệnh lệnh” của đất nước, của nhân dân.