Mệnh lệnh 01 và dấu ấn 8 tuần quyết tâm về đích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số lượng cấp Căn cước công dân (CCCD) trung bình ngày tăng gấp 5 lần so với 3 tháng liền kề trước đó; kích hoạt định danh điện tử từ 21% lên hơn 70% và còn rất nhiều những “con số biết nói”, ghi nhận hiệu quả từ Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội trong suốt 8 tuần vừa qua (từ ngày 5-5 đến 30-6-2023).

Vượt khó nhận nhiệm vụ

Ngày 28-4, trong buổi làm việc với CATP Hà Nội về công tác đảm bảo an ninh trật tự, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu “CATP Hà Nội nỗ lực đến ngày 30-7-2023 cấp được hết CCCD gắn chíp cho người dân trên địa bàn Thủ đô để có thể dùng thực hiện các giao dịch, bỏ được những giấy tờ khác”. Sau chỉ đạo ấy, CATP Hà Nội đã cam kết với lãnh đạo Bộ Công an đến 30-6-2023 sẽ hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ.

CAH Ba Vì ra tận ruộng để kích hoạt định danh điện tử cho bà con nông dân (Ảnh: Phú Khánh)

CAH Ba Vì ra tận ruộng để kích hoạt định danh điện tử cho bà con nông dân (Ảnh: Phú Khánh)

Ngày 5-5, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh số 01, đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị, về nhiệm vụ cụ thể, thời gian phải hoàn thành. Theo Mệnh lệnh số 01, đảm bảo tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đang cư trú, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội đủ điều kiện đều được cấp CCCD gắn chíp, được thu nhận và hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT).

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội nhìn nhận, đây thực sự là nhiệm vụ không hề dễ với lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô. Trong các giai đoạn trước, CATP đã thực hiện “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ CCCD cùng với công an cả nước, phát động “Cao điểm 30 ngày đêm hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD” vào những ngày tháng 7 của năm 2022, nhưng trước thời điểm triển khai Mệnh lệnh 01 vẫn còn hơn 10 vạn người dân chưa được cấp thẻ CCCD gắn chíp lần đầu.

Nếu có quyết tâm và nhận thức đúng, phương pháp đúng, thì nhiệm vụ khó khăn mấy cũng làm được. Quá trình thực hiện, nhiều đơn vị ban đầu chỉ tiêu thấp, nhưng sau đó đã có sự bứt phá rõ rệt…

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội

“Dễ làm trước, khó làm sau”, ở thời điểm ngày 5-5-2023, khi Mệnh lệnh 01 bắt đầu triển khai, các trường hợp công dân chưa được cấp CCCD gắn chíp lần đầu đều là những trường hợp vô cùng khó khăn. Điển hình như quận Hoàn Kiếm có một “đặc sản” là số lượng người có hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống trên địa bàn vô cùng lớn, thậm chí rất nhiều trường hợp công dân cư trú không rõ địa chỉ. Trong khi đó, đây là địa bàn quận lõi của thành phố, các nhiệm vụ công tác công an khác cũng rất nặng nề, khó có thể dồn sức cho nhiệm vụ cấp CCCD gắn chíp hay kích hoạt ĐDĐT.

Về đích đúng hẹn

Trước tình hình khó khăn ấy, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, đứng đầu là Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo, giao ban từng tuần để đánh giá kết quả trong tuần, nhìn rõ những khó khăn, vướng mắc. Tại các buổi giao ban, từ cấp CATP đến công an các quận, huyện, thị xã và công an cấp phường, xã đều phải chỉ ra những đơn vị nào, địa bàn nào có kết quả chỉ tiêu còn thấp để người điều hành hội nghị yêu cầu giải trình.

Song song với đó, các đơn vị có cách làm hay, hiệu quả cũng chia sẻ để những đơn vị khác học tập, theo gương. Thông qua hội nghị giao ban từng tuần - bất kể ngày nghỉ lễ, những con số chính xác, bức tranh toàn cảnh về kết quả cấp CCCD gắn chíp, xác thực ĐDĐT cũng như các chỉ tiêu quản lý cư trú khác đã được khái quát đầy đủ để người đứng đầu các đơn vị nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình, thấy rõ mình đang đứng ở vị trí nào trên “bảng xếp hạng”, để từ đó quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo, sáng tạo trong công tác và sớm về đích.

Hội nghị giao ban tuần thứ 4 ngày 3-6 đã có 10 đơn vị công an cấp huyện trên địa bàn thành phố hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho 100% công dân về đích sớm trên địa bàn. Và 12 ngày sau đó, vào 0h ngày 15-6, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã ghi nhận CATP Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp cho người dân theo chỉ tiêu Bộ Công an giao. Tính đến thời điểm này, CATP đã thu nhận 95% hồ sơ ĐDĐT, trong đó tỷ lệ kích hoạt đạt 73,2%. So sánh với kết quả trước khi Mệnh lệnh 01 ra đời thì đó thật sự là niềm tự hào và mang nhiều ý nghĩa.

Bởi theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, để đạt được chỉ tiêu về cấp CCCD, trong những ngày thực hiện Mệnh lệnh 01, số lượng CCCD gấp 5 lần so với 3 tháng liền kề trước đó; kích hoạt ĐDĐT từ 21% lên 73,2%. “Kích hoạt ĐDĐT chúng ta thực hiện từ ngày 25-2-2022 cho đến khi Mệnh lệnh 01 ra đời mới đạt tỷ lệ 21%. Còn trong những ngày thực hiện mệnh lệnh quan trọng này, toàn lực lượng đã dồn sức cho việc cấp CCCD. Cho đến ngày 15-6, nhiều đơn vị mới triển khai kích hoạt định danh điện tử, nhưng đã nhanh chóng đạt tỷ lệ 73,2% - nghĩa là chúng ta tăng tỷ lệ kích hoạt ĐDĐT thêm 50% chỉ trong 2 tuần cuối cùng thực hiện Mệnh lệnh 01” - chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết.

Ngày 28-6-2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát động đợt thi đua cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản ĐDĐT (ứng dụng VNeID) trên địa bàn. Đợt thi đua dự kiến hoàn thành trước ngày 30-7-2023 với chủ đề “Đến từng nhà rà từng người xác lập tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ nhân dân”. Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, trong cao điểm mới này, lực lượng công an vẫn là nòng cốt, nhưng đã có thêm sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, thúc đẩy sớm hoàn thành tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Không quản ngại giờ giấc, ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ

“Việc xác thực định danh điện tử mức độ 2 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, là cơ sở nền tảng để thực hiện thành công Đề án 06. Chính vì vậy, chúng tôi xác định đây là giai đoạn nước rút và khẩn trương hoàn thành thật tốt, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Quận Hoàn Kiếm có số lượng người cao tuổi tương đối lớn nên việc sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng cư dân KT2 lớn nên việc liên lạc hay vận động người dân quay trở về để làm các hồ sơ, kê khai mất rất nhiều công sức. CAQ Hoàn Kiếm là Cơ quan thường trực của Ban Đề án 06 quận đã rất cố gắng cùng công an cơ sở bám sát địa bàn để kịp thời thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội, không quản ngại giờ giấc, ngày đêm, đặc biệt là tại trụ sở UBND các phường, trụ sở công an các phường đều có các lực lượng ứng trực liên tục để hỗ trợ nhân dân, giải quyết các nhu cầu của người dân trên địa bàn”.

Chu Hương (ghi)

Thượng tá Phạm Văn Hậu - Trưởng CAH Gia Lâm: Ngoài phát huy vai trò tiên phong cần phải có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền

“Chúng tôi nhận thức Mệnh lệnh số 01 ban hành với mục tiêu cao nhất là quyết tâm đẩy nhanh những phần việc của Đề án 06/CP. Cấp CCCD gắn chíp, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử là những phần việc liên quan đến nhiệm vụ và công tác công an, song vấn đề đặc biệt quan trọng ở đây là nếu không tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, không phát huy được sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, thì nhiệm vụ ấy sẽ khó có thể trọn vẹn.

“Rõ việc, rõ tiến độ” là nguyên tắc quan trọng trong thực hiện Mệnh lệnh 01, được Ban Chỉ huy CAH Gia Lâm xác định đối với từng đội nghiệp vụ và công an các xã, thị trấn, trên tinh thần không cán bộ, chiến sĩ nào, không lực lượng nào đứng ngoài cuộc. CAH Gia Lâm đã thiết lập nhóm Zalo thực hiện Mệnh lệnh 01 với đầy đủ các đồng chí trong Ban Chỉ huy CAH, chỉ huy các đội nghiệp vụ và các xã, thị trấn. Một ngày ít nhất 2 lần số liệu được tập hợp để báo cáo, đánh giá, phân tích. Khâu nào tiến độ chậm, chỗ nào vướng về máy móc, con người, đường truyền, xã nào chưa quyết liệt… đều được cập nhập và lập tức điều chỉnh. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đều được bố trí từng đồng chí trong Ban Chỉ huy CAH, có sự trợ giúp của chỉ huy các đội nghiệp vụ, phân công chịu trách nhiệm đảm bảo kết quả thực hiện Mệnh lệnh 01. Gần 2 tháng qua, trên 200 lượt cán bộ, chiến sĩ các đội nghiệp vụ tăng cường về xã, thị trấn với tinh thần “hết việc chứ không hết giờ”. Cùng với đó là sự hỗ trợ lớn từ các sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Không quản thời tiết, thời gian, các tổ công tác về từng khu dân cư, từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn công dân làm thủ tục đăng ký CCCD gắn chíp, định danh điện tử.

Một nguồn đối tượng trong diện cấp CCCD gắn chíp và định danh điện tử khác cũng được chúng tôi khai thác tốt chính là người lao động ở các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp. Tinh thần và yêu cầu của Mệnh lệnh 01 được lan tỏa đến người lao động thông qua các quản đốc, giám đốc, người quản lý, và cũng gắn rõ với vấn đề trách nhiệm… Chiến dịch kết thúc, chúng tôi đúc kết được nguyên lý quan trọng cho mọi vấn đề, thành công là phải tham mưu, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu…”.

Hà Trung (ghi)

Trung tá Bùi Nhật Quang - Phó trưởng CAQ Hà Đông”: Triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, sâu sát

“Ngay sau khi Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh số 01, CAQ Hà Đông đã bám sát nội dung chỉ đạo, tập trung lực lượng, đề ra các biện pháp, giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu. CAQ Hà Đông đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, sâu sát, giải quyết dứt điểm những tồn đọng, khó khăn của công tác đăng ký và kích hoạt ĐDĐT trên địa bàn.

Lấy lực lượng Cảnh sát khu vực làm nòng cốt, CAQ Hà Đông đã thành lập các tổ công tác với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên, bảo vệ dân phố, sinh viên…) đồng loạt ra quân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu” để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản ĐDĐT, đặc biệt trong các khung giờ từ 17-21h hàng ngày và lấy thứ bảy, chủ nhật phát động phong trào “Cao điểm ngày cuối tuần”. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các đội nghiệp vụ, trong đó Đội QLHC về TTXH là đội chủ quản phụ trách công tác hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, thao tác trên phần mềm, cập nhật kết quả báo cáo ngày, theo dõi tiến độ thực hiện, huy động và giao chỉ tiêu cho cán bộ, chiến sĩ 12 đội nghiệp vụ tăng cường hỗ trợ công an các phường thực hiện nhiệm vụ kích hoạt tài khoản ĐDĐT. Thành lập 3 đường dây nóng để liên hệ hướng dẫn công dân kích hoạt ĐDĐT, bố trí 6 cán bộ, chiến sĩ chia ca sáng - tối để gọi điện, liên hệ hướng dẫn công dân kích hoạt ĐDĐT.

Đối với việc đăng ký và kích hoạt mới, CAQ đã xây dựng, lộ trình 3 giai đoạn cài đặt VNeID và kích hoạt tài khoản ĐDĐT, tập trung vào đăng ký mức 2 và kích hoạt trên trang web:http//vneid.gov.vn. Đối với mỗi giai đoạn, CAQ Hà Đông đều có những phương pháp triển khai phù hợp, linh hoạt, khắc phục được những thiếu sót, bất cập của phần mềm thu nhận ĐDĐT và những khó khăn do tính chất khách quan của từng địa bàn mang lại…

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát chỉ đạo của CATP Hà Nội, sự phối hợp của các phòng nghiệp vụ, sự ủng hộ của người dân trên địa bàn, công tác hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản ĐDĐT của CAQ Hà Đông đã đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu được giao, góp phần thực hiện thành công Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội”.

Khánh Huyền (ghi)