Mặt trái của tấm huy chương và tận cùng đau đớn

ANTĐ - Trong con mắt nhiều người, huy chương vàng có thể mang đến cho vận động viên niềm tự hào, danh dự và cả những lời tán dương đậm chất anh hùng. Nhưng đối với chủ nhân những tấm huy chương mà Trung Quốc giành được ở mỗi kỳ Olympic, giải thưởng đem lại vinh quang trong chốc lát đó cũng đồng nghĩa với biết bao sự đau đớn đến tận cùng.

Ngô Cảnh Bưu bật khóc khi chỉ đoạt Huy chương Bạc

Chiến lược quốc gia

Sáng 30-7, nội dung cử tạ hạng 56kg nam Olympic London bước vào vòng chung kết. Ngô Cảnh Bưu, người từng 2 lần đoạt chức quán quân thế giới bước vào thi đấu với trạng thái không ổn định và chỉ giành được Huy chương Bạc. Vừa rời chiếc tạ, anh ngồi bệt xuống đất với vẻ mặt đau khổ và bật khóc. Khi đứng trước ống kính máy quay, Ngô Cảnh Bưu dường như vẫn không thể làm chủ được bản thân, liên tục cúi gập người và khóc thành tiếng: “Tôi thật có lỗi với Tổ quốc, có lỗi với đồng đội, có lỗi với những người đã quan tâm đến mình”. Trông Ngô Cảnh Bưu lúc đó giống như một kẻ tội đồ, chứ không phải một người vừa giành vinh quang cho đất nước mình.  

Cùng thời điểm đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng tiết lộ, mẹ của Ngô Mẫn Hà, vận động viên đoạt Huy chương Vàng nội dung cầu mềm 3m đôi nữ, vì để cho con yên tâm luyện tập, đã giấu việc mình bị ung thư vú suốt 8 năm, thậm chí khi bố mẹ mình qua đời cũng không báo tin cho con gái.

Những câu chuyện đầy chua chát sau những tấm huy chương lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận. Không nhiều những lời khen về “tinh thần thể thao”, người ta coi đó là những hành vi “đi ngược lại tinh thần Olympic”, thậm chí nhiều cư dân mạng còn khẳng định, việc giấu giếm của mẹ Ngô Mẫn Hà và sự suy sụp của Ngô Cảnh Bưu chính là bi kịch của “chiến lược Huy chương Vàng Trung Quốc”.  

 

Nhân dịp này, người ta cũng nhắc lại sự kiện tuyển thủ bắn súng Dịch Tư Linh và Dụ Đan lần lượt giành 2 tấm Huy chương Vàng và Huy chương Đồng đầu tiên của Olympic London hôm 27-7. Ngay sau đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã gửi điện mừng, song cái tên Dụ Đan không hề được nhắc đến, thậm chí khi bản tin về sự kiện này được phát đi trên kênh truyền hình nhà nước CCTV, hình ảnh Dụ Đan cũng không hề xuất hiện trước ống kính lấy 1 giây. Tình cảnh tương tự cũng từng xảy ra đối với Đỗ Lệ, vận động viên bắn súng. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, khi Đỗ Lệ để vuột mất tấm Huy chương Vàng đầu tiên và bật khóc, truyền thông Trung Quốc đã không hề cảm thông hay chia sẻ mà còn có những lời chỉ trích hết sức gay gắt về cô. Chỉ vài ngày sau, trong một nội dung khác, Đỗ Lệ giành được Huy chương Vàng, ngay lập tức truyền thông “đổi mặt”, hình ảnh cô, huấn luyện viên, thậm chí bố mẹ cô nhanh chóng xuất hiện dày đặc trên báo chí với những lời ca tụng tận mây xanh. 

Đáng nói nhất là ngày 29-7 vừa qua, sau khi Châu Tuấn, vận động viên cử tạ mới 17 tuổi thất bại, một cơ quan truyền thông có uy tín ở Trung Quốc đã bình luận: “Hạng vô danh đó vì sao lại có thể xuất hiện ở đấu trường Olympic?”. Trước những lời lẽ cay nghiệt dành cho một vận động viên đi thi đấu vì đất nước, người ta không khỏi băn khoăn: phải chăng đó là một căn bệnh biến thái? “Ngoài huy chương vàng ra, họ không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác”, một cư dân mạng bày tỏ quan điểm. Trên mạng Sina sau đó đã xuất hiện làn sóng “không đoạt huy chương vàng cũng là anh hùng”, kêu gọi đối xử bình đẳng với các vận động viên và lên án hành vi ép họ giành huy chương vàng.

Theo ông Mạnh Hiểu Kỳ, Phó Tổng biên tập tờ Basketball Pioneers, những áp lực trong việc đoạt huy chương vàng của Trung Quốc chính là hậu quả của căn bệnh “hệ thống toàn quốc” - một cơ chế trong ngành thể thao mà theo đó để giành được mục tiêu tranh đoạt những ngôi vị quán quân thế giới, người ta không tiếc đầu tư mọi nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần trên toàn đất nước. Vài năm trở lại đây, những mặt trái của hệ thống này ngày càng bộc lộ rõ. Trả lời phỏng vấn báo chí vài ngày trước, ông Tiêu Thiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể thao Trung Quốc cũng thừa nhận, chế độ “hệ thống toàn quốc” cần được thay đổi, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến vận động viên mà còn tác động cả đến người dân. “Ở Thế vận hội lần này, cho dù chúng ta giành được ít huy chương vàng hơn, cho dù có thể bị người dân lên án, cũng cần thay đổi... Thi đấu được đến đâu thì tính tới đó”.

Những cỗ máy săn vàng

Các vận động viên “tiềm năng” bị ép luyện tập khắt khe từ khi còn nhỏ

Sau 4 ngày thi đấu ở Olympic, Trung Quốc đang đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với 14 Vàng, vượt xa quốc gia đứng thứ 2 là Mỹ. Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc vươn lên giành vị trí của một “cường quốc thể thao”? Có nhiều ý kiến cho rằng, ở đất nước rộng lớn với gần 1,5 tỷ dân như vậy, việc tìm kiếm được những tài năng xuất chúng là việc hết sức bình thường. Song đó không phải là tất cả. Sau những câu chuyện đầy nước mắt mà báo chí tiết lộ, người ta bắt đầu thấy được phần nào của “chiến lược huy chương vàng” mà chính quyền Trung Quốc đã vạch ra từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trong chiến lược đó, vận động viên bị coi như những cỗ máy không hơn không kém.

Khi bà ngoại mất, Ngô Mẫn Hà dường như có linh cảm nên đã gọi điện về nhà. Không ngờ người mẹ kiên quyết: “Tất cả vẫn bình thường”. Thậm chí bố của Ngô Mẫn Hà từng thốt lên rằng: “Ngay cả niềm vui đoàn tụ gia đình, tôi cũng không nghĩ tới, không dám nghĩ tới. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi đã sớm nhận ra rằng con bé không còn thuộc về chúng tôi”. Những người như Ngô Mẫn Hà thuộc về “đất nước”. Vì thế, họ cũng không được phép có những tình cảm riêng tư, khi nhận được huy chương vàng, lời đầu tiên phải cảm ơn “đất nước”, và khi chỉ đoạt được huy chương bạc, cũng cần xin lỗi “đất nước” đầu tiên. Vận động viên, cuối cùng cũng chỉ là những cỗ máy săn vàng lạnh lùng vô cảm.  

Để tranh đoạt huy chương vàng, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống các trung tâm đào tạo từ cấp huyện, tỉnh, thành cho đến các trung tâm trực thuộc Tổng cục Thể thao, hoạt động với chế độ vô cùng nghiêm ngặt. Rất nhiều đứa trẻ có “tiềm năng” được đưa vào đây từ 5-6 tuổi, nhưng không được học thứ gì khác ngoài việc chuyên tâm tập luyện một môn thể thao nào đó. Ngoài thiểu số là những vận động viên đoạt huy chương trong các giải đấu quốc gia và quốc tế, phần lớn còn lại, những vận động viên không đạt trình độ quán quân sẽ bị thải loại khi đến tuổi 20. Khi đó, họ rất khó tìm việc làm vì không có kiến thức chuyên môn, cuộc sống rơi vào cảnh khốn khó. Tờ “Vũ Hán buổi tối” cho hay, hiện Trung Quốc đại lục có khoảng 50.000 vận động viên chuyên nghiệp. Hàng năm, có ít nhất 3.000 người giải nghệ, trong đó chỉ có khoảng 40% được bố trí công việc. Tờ “Bắc Kinh buổi sáng” cũng từng thông tin, gần 80% trong số 300.000 vận động viên giải nghệ của Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, bệnh tật, nghèo khó..., cần được xã hội giúp đỡ.

Trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo New York”, Dương Văn Quân, vận động viên đua thuyền, người từng đoạt Huy chương Vàng Olympic 2004 và 2008 nói: “Tôi không muốn coi thể thao là nghề nghiệp của mình, nhưng khi làm vận động viên, chúng tôi không còn được tự do lựa chọn tương lai. Từ khi còn là một đứa trẻ tới giờ, ngoài thể thao ra tôi chưa được học bất cứ thứ gì khác. Bây giờ tôi còn có thể làm gì? Tôi cũng từng có ước mơ, nhưng giờ quá khó để với tới. Bây giờ tôi hoàn toàn không có bất cứ điều kiện nào để thực hiện nó”. Mẹ Dương Văn Quân cũng tâm sự: “Nếu điều kiện gia đình khá hơn một chút, tôi cũng không để nó theo nghiệp thể thao. Mỗi lần nghĩ đến việc nó tập luyện, tôi lại cảm thấy đau xót vô cùng”. Sau khi giành Huy chương Vàng tại Olympic Athens, Dương Văn Quân muốn giải nghệ, nhưng bị từ chối và đe dọa sẽ cắt lương hưu nếu không tiếp tục tham gia Olympic Bắc Kinh.

Trong con mắt của mọi người, huy chương vàng có thể mang đến cho vận động viên những đóa hoa tươi, những tiếng vỗ tay, danh dự và cả những lời tán dương đậm chất anh hùng. Nhưng đối với chủ nhân những tấm huy chương mà Trung Quốc giành được, giải thưởng đem lại vinh quang trong chốc lát đó thực sự là ác mộng trong cuộc đời. Từ một con người, họ buộc phải trở thành những cỗ máy không cảm xúc, mất đi cơ hội được hưởng nền giáo dục bình thường, một cuộc sống bình thường và trải qua những tháng ngày không có niềm vui.