Mặt sáng dòng di cư

ANTĐ - Không chỉ toàn là “mặt tối” như nhập cư bất hợp pháp, lao động chui, mất an ninh... mà hàng trăm triệu người di cư trên toàn cầu đang đóng góp hữu ích với những quốc gia, vùng lãnh thổ nơi họ đến.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 46 của Uỷ ban Dân số và Phát triển của LHQ (UNCPD) diễn ra trong 5 ngày từ 22 đến 26-4 ở trụ sở LHQ (New York, Mỹ), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhìn nhận tích cực về vai trò của dân di cư trên thế giới. Theo ông, dòng di cư toàn cầu đang đem lại những cơ hội cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nơi xuất phát và nơi đến.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng di cư đang là một vấn đề nóng, một thực tế trong xu thế toàn cầu hoá. Vì thế không thể đặt ra vấn đề tìm cách ngăn chặn di cư qua biên giới, mà quan trọng là cần có giải pháp tổng thể nhằm tận dụng dòng dịch chuyển dân số này cho phát triển kinh tế xã hội toàn cầu.

Theo ước tính của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), thế giới hiện có hơn 214 triệu người di cư (so với 155 triệu người năm 1990) và con số này sẽ tăng lên 405 triệu người vào năm 2050. Một trong những nguyên nhân khiến số dân di cư tăng mạnh là do dân số các nước phát triển dự báo sẽ giảm 25% vào năm 2050. 

Việc gia tăng nhanh dòng người di cư từ các nước đang phát triển, từ nước nghèo sang các nước phát triển và giàu có hơn làm nảy sinh không ít vấn đề, trong đó đáng nói nhất là những suy nghĩ tiêu cực về người nhập cư. Họ thường bị coi là gánh nặng đối với hệ thống phúc lợi xã hội, chiếm việc làm và hạ thấp mức lương hay các vấn đề an ninh phức tạp...

Tuy nhiên, theo IOM, những suy nghĩ tiêu cực trên về người di cư dựa trên cảm tính và sự suy luận mà không tính đến những đóng góp cho kinh tế - xã hội nước sở tại. Trong khi đó có nhiều bằng chứng, kết quả nghiên cứu cho thấy người di cư có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội nơi họ tới.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học London (Anh) cho biết, trong các năm 2008-2009, những người nhập cư từ Đông Âu đóng thuế cho nước Anh nhiều hơn 37% so với mức phúc lợi họ được nhận. Tại Mỹ, Hội đồng Cố vấn kinh tế của tổng thống cũng ước tính nền kinh tế đầu tàu thế giới mỗi năm thu được khoảng 37 tỷ USD nhờ những người nhập cư và trên 10% số người tự kinh doanh là người nhập cư. 

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ước tính nếu các nước đang có dân số giảm cho phép lực lượng lao động của mình tăng 3% bằng việc cho thêm 14 triệu lao động nhập cư trong khoảng thời gian từ 2001 - 2025 thì mỗi năm nền kinh tế thế giới sẽ có thêm khoảng 365 tỷ USD. Phần lớn số tiền này sẽ tạo thành nguồn vốn quan trọng cho các nước đang phát triển trong khi các nước phát triển cũng được hưởng lợi từ việc bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt, nhất là trong những ngành nghề và công việc nặng nhọc, độc hại hay giản đơn... mà người bản xứ không thích làm.

Di cư toàn cầu vì thế đang là một động lực năng động cho sự phát triển của các quốc gia. Từ đánh giá tích cực này, Tổng thư ký LHQ đưa ra giải pháp tổng thể 5 điểm: thiết lập con đường hợp pháp cho việc di cư, hướng các chính sách di cư theo nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy sự hòa hợp, không gán tình trạng địa vị xã hội cho những người di cư, và tạo điều kiện cho những người di cư về thăm nhà nhằm tận dụng cơ hội mà dòng di cư mang lại.