Mắt nón Ba Tầm

(ANTĐ) - Chờ đợi mãi rồi cũng đến một sớm mai tôi xuôi đò sông Đáy. Về tới gần Phương Trung đã thấy mái đền làng Chuông lấp ló. Cô bé gầy guộc lái đò cùng cha nghiêng nghiêng vành nón nhìn tôi với con mắt to tròn như muốn nói điều gì đó. Tôi định giơ máy chụp ảnh thì cô bé nhoẻn cười rồi đỏ mặt quay đi. Tiếc cho một giây lát bất chợt lạ lùng ấy vụt mất.

Mắt nón Ba Tầm

(ANTĐ) - Chờ đợi mãi rồi cũng đến một sớm mai tôi xuôi đò sông Đáy. Về tới gần Phương Trung đã thấy mái đền làng Chuông lấp ló. Cô bé gầy guộc lái đò cùng cha nghiêng nghiêng vành nón nhìn tôi với con mắt to tròn như muốn nói điều gì đó. Tôi định giơ máy chụp ảnh thì cô bé nhoẻn cười rồi đỏ mặt quay đi. Tiếc cho một giây lát bất chợt lạ lùng ấy vụt mất.

Đây là một chuyến đò chở lá cọ về làng Chuông. Nhìn từng tốp người tấp nập trên đê, tôi hỏi phiên chợ Chuông ngày xuân sao đông thế, người cha cười nói:

- Tết đến nơi rồi mà anh. Khách các ngả đổ về đây mua nón đi lễ hội. Quê tôi mà làm nón Ba Tầm thì không đâu bằng.

Tôi quay lại hẹn cô bé tan chợ đón đò về, rồi vội vã lên bờ, đi theo những gánh lá bềnh bồng trên sườn đê dẫn về chợ Chuông. Dường như có một thời gian dài mọi người chỉ nhắc đến chiếc nón Huế bài thơ. Tôi nhớ như in hồi còn bé, mẹ tôi đi phố Hàng Nón ở tận Hà Nội về khoe với mọi người cái nón Huế mỏng tang có in hình chùa Thiên Mụ và hai dòng thơ, lung linh dưới ánh nắng Mặt trời. Tôi ngắm bức ảnh mẹ tôi đội nón Huế sao mà đẹp đến vậy. Ấy thế rồi, lớn lên khi là một sinh viên trường ĐH Văn hóa, tình cờ tôi đọc được câu ca dao:

“Muốn ăn cơm trắng cá trê

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”

Thì nón làng Chuông như khơi gợi tôi một điều gì đó xa xôi lắm, nhất là khi tôi đã có dịp ngắm hình chiếc nón mà các nghệ nhân xưa đã khắc trên chiếc thạp đồng cách đây 3.000 năm, được trưng bày trong viện bảo tàng lịch sử. Cái đẹp của nón Huế như một nốt son kỳ thú của tuổi thơ, thì nón làng Chuông như một sự mách bảo hướng về cội nguồn của một nét văn hoá đặc trưng của đất Việt.

Và thật đặc biệt khi biểu tượng chiếc nón khổng lồ được bày trước cửa Hội nghị APEC diễn ra ở Thủ đô Hà Nội đã làm sống dậy trong tôi một nét biểu trưng mà tôi nhớ mãi từ khi còn bé. Lại nghe nói chiếc nón khổng lồ này do các nghệ nhân làng Chuông làm để trưng bày trước hàng ngàn khách quốc tế. Vì sao cái hình chóp giản đơn ấy lại tạo hình tượng mạnh mẽ đến vậy? Phải chăng đó là những lá sen, lá cọ, lá buông... che trên đầu những bà con nông dân, giờ đây trở thành chiếc nón và chúng tạo nên một nét văn hoá đặc trưng của một nền văn hoá lúa nước bao đời nay. Tôi thấp thỏm về với làng Chuông cũng bởi những nhịp đập bồi hồi như vậy. Tôi đi mà cứ vấp vào những cọng cỏ khô và lùa chân vào những cụm bông cỏ may trên sườn đê.

Khi được gặp chị Doan ở một xóm gần chợ mới hay rằng để làm nên chiếc nón làng Chuông phải nhớ đến công sức của những làng chung quanh hoặc nhờ tới những vùng miền xa xôi khác. Chị hồ hởi kể, nào là làng Lưa làm khuôn nón, làng Trường Xuân vót vành nón, làng Dầu Tế làm sợi guột để khâu nón. Ấy là chưa nói đến lá nón làm từ lá lụi, lá cọ cũng phải mua từ Phú Thọ, Quảng Bình, Hà Tĩnh chứ làng Chuông chỉ giỏi chuốt lá và khâu nón. Cái khác ở làng Chuông là nghĩ ra mẫu theo đơn đặt hàng rồi cứ vậy mà cả làng ngày đêm bận rộn với đường kim sợi móc. Có thể nói chiếc nón là một sản phẩm văn hoá mang tính cộng đồng cao trong đời sống dân sinh. Rồi chị nói làng Chuông giờ chỉ có các nghệ nhân lớn tuổi mới giỏi nghề làm nón lễ hội, tức là các loại nón cổ cho nam thanh nữ tú đi hội, như các cụ Canh, cụ Ngân, cụ Cát...

Lần hồi tìm đến nhà cụ Canh - người làm chiếc nón lớn làm mẫu đi dự triển lãm quốc tế ở Cộng hoà Séc và CHLB Đức, vào cái đận 2001, tôi càng ngạc nhiên hơn vì cụ là một thương binh hỏng một chân trở về làng và nổi danh về nghề làm nón cổ. Một cụ già ở tuổi 80 mà vẫn sống chết để khôi phục làng nghề truyền thống quả là kỳ lạ. Chính vì có các cụ khéo tay và giữ gìn cái nghề của làng như cụ Viết, cụ Canh, cụ Ba, cụ Hai Cát... nên mới có các trò giỏi như anh Tuy, chị Hương. Vậy nên mới có chiếc nón khổng lồ của làng Chuông do cơ sở sản xuất Hùng Vương của chị Hương làm tạo nên biểu trưng cho dân tộc trước Hội nghị thượng đỉnh Apec 2006, Chị Hương tự hào kể:

- Xưa, nón làng Chuông đã từng cung tiến để hoàng hậu, công chúa dùng. Không lẽ nào lớp con cháu lại làm mất đi cái nghề đã tồn tại hơn 500 năm nay.

Gặp được anh Tuy thật khó, bởi anh là “trùm” mẫu nón của cái làng này. Anh đi nhiều nơi để tìm nguồn mua và đặt hàng theo mẫu. Anh là người khéo tay và khâu nón vào loại đẹp nhất làng, rồi sau đi thành lập một tổ hợp và trở thành ông chủ nón nổi tiếng một vùng. Anh kể có tháng gia đình anh xuất 10 vạn chiếc nón. Các tổ hợp, các hội hàng nón, các cơ sở sản xuất tập trung ra đời theo cơ chế thoáng đã tạo một không khí hồ hởi và tất bật ở cái làng nghề này.

Chợ Chuông cũng là một chợ cổ. Mặc dù chợ có nhiều loại hàng hoá, nhưng vào các phiên chính ngày 4, ngày 10 thì chỉ rặt là nón. Các khách buôn ở xa về cất hàng trăm chiếc nón. Còn các chủ hàng quanh vùng đều đến đặt những nón hàng đẹp, giá tới 50 ngàn đồng mỗi chiếc cũng có. Chả vậy, mỗi phiên chợ ước chừng hàng bán tới 7.000 chiếc nón với các giá khác nhau. Chợ không ồn ào nhưng mà vui. Ai đội thử cũng nhờ người ngắm và chỉ đợi lời khen rồi mỉm cười. Và ở đây, tôi liên tục chớp được những “pô” ảnh vành nón nghiêng với những đôi mắt long lanh của các cô gái làng. Có thể lấp lánh sau vành nón ở các góc độ khác nhau, đôi mắt của người con gái có sức biểu cảm lung linh nhất.

Bất chợt có tiếng cười khúc khích của mấy cô gái đội nón quai thao ở góc chợ. Hình như ai cũng xoay xoay chiếc nón trên đầu để cho cân cái quai lụa ướm với khuôn mặt của mình. Một cô gái có khuôn mặt trái xoan bỗng nghiêng mình rồi giơ mấy ngón tay về phía trước như định hát một câu quan họ. Tôi sững người và có cảm giác rằng những liền chị đang hát chào liền anh. Tôi liên tục bấm máy chụp được vài chục kiểu thì các thiếu nữ ấy vội thúc nhau vừa cười vừa chạy quanh gốc đa cuối chợ. Bà chủ hàng nón với gương mặt tròn, hồn hậu gọi với theo tôi, vừa cười vừa nói:

- Chụp bà già này nè!

Nói rồi bà vội đội chiếc nón Ba Tầm lên đầu. Ngỡ nói đùa, nhưng lại thấy tôi chụp thật, nên bà cười ngượng nghịu như với một tâm trạng bất thường của sự nhớ nhung hẹn hò, của sự luyến tiếc và trách móc ngày nào trong tâm tưởng thuở xa xưa. Bởi dưới cái nón Ba Tầm đẹp đến dường kia, nụ cười nào mà chẳng trở về cái cõi tâm linh kỳ ảo của những ký ức đắm say một thời. Tôi bấm máy với bao cảm xúc khi tiếp cận những góc độ đằm thắm của nét môi đỏ vì miếng trầu quê hương. Cứ thế tôi đi lang thang trong chợ cho đến khi vãn phiên. Tôi tần ngần đi trong tiếng cười xôn xao vương lại từ các xóm ngõ. Và những hình ảnh chiếc nón cứ lung linh đung đưa trên không trung. Những bóng nón che trên đầu tôi như một tàu lá sen xanh mát. Cứ thế tôi đi ra bến sông dưới những vành nón tưởng tượng ấy và biết rằng ở bến đò trên sông Đáy kia có một cô bé cũng đội nón đang chờ tôi…

Vương Tâm