Mặt nạ của hội đoàn bất hợp pháp

ANTĐ - Gần đây, dưới sự chủ trương của một nhóm người, hàng loạt các tổ chức mạo danh “dân sự” mọc lên và được một số trang mạng từ nước ngoài và một số phần tử trong nước tung hô như biểu hiện mới của các thế lực thù nghịch đất nước dưới chiêu bài “đấu tranh cho dân chủ”. Dĩ nhiên những tổ chức này chẳng có một hoạt động gì trên thực tế và cũng chỉ ì sèo trên một số trang mạng, nhưng cũng đã đến lúc cần nhìn rõ bản chất để những cư dân mạng biết rõ mà đề phòng.

Hầu hết những tổ chức “xã hội dân sự” như “Hội dân oan”, “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Văn đoàn độc lập”, “Hội Nhà báo độc lập”... à nhiều hội đoàn vớ vẩn khác đều lấy cớ là dựa trên “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên có nghĩa vụ tuân thủ”; “Các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội được minh định trong Hiến pháp Việt Nam”. Vấn đề là có đúng như vậy không? Chắc chắn là không.

Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966, ở khoản 1, Điều 22 đã nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”. Song cũng ở khoản 2, Điều 22 đã chỉ ra: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.  Như vậy, Hiến pháp ghi nhận quyền lập hội nhưng việc lập hội phải do pháp luật (bao gồm Hiến pháp, các luật, văn bản dưới luật) quy định. Quyền lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Không thể tuỳ tiện lập hội nếu việc lập hội đó phương hại đến lợi ích quốc gia, công cộng và những quyền tự do của người khác.  

 Để thực hiện quyền lập hội, hiện có hai Nghị định hướng dẫn là Nghị định số 45/2010/N Đ-CP, ngày 21-4-2010 quy định về việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Tại các nghị định này quy định rất rõ ràng về điều kiện thành lập hội. Nếu lập ở phạm vi một tỉnh, thành phải được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn và nếu hội hoạt động trên nhiều các tỉnh thành khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn. Quá trình thành lập phải có đăng ký, vận động song các hội đoàn này trên thực tế tuyên bố hoạt động mà không đăng ký, không được Bộ Nội vụ phê chuẩn thành lập, thể hiện sự coi thường pháp luật. Không hề tuân thủ Công ước quốc tế và Hiến pháp, pháp luật như họ tự tuyên bố. Cho nên, những hội đoàn này là các tổ chức bất hợp pháp.

Nghiên cứu các đạo luật về hội của nhiều nước trên thế giới, có thể thấy việc có những chế tài quản lý chặt chẽ vì lợi ích cộng đồng là vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Luật về tổ chức phi chính phủ Nga 2006, Luật về hội của Myanmar, Malaysia, Luật Tổ chức xã hội của Indonesia đều có những điều kiện quản lý chặt chẽ các hội.

Như vậy, về mặt pháp lý, tất cả những căn cứ về pháp lý dựa trên công ước quốc tế và quy định của Hiến pháp để họ thành lập những hội đoàn vớ vẩn đó đều không đúng. Còn trên thực tế thì hoạt động của họ ra sao. Ngay từ khi thành lập và ngay trong những cuộc họp trái phép để ra mắt những hội đoàn này, chủ trương của họ đã rõ: Mục tiêu và đường hướng hoạt động của họ là chống các chủ trương chính sách của Nhà nước Việt Nam, cố gắng đẩy đất nước ta vào tình trạng mất ổn định. Càng thấy rõ “sức mạnh” của các hội đoàn này là vẻn vẹn chỉ vài chục khuôn mặt đã từng chường ra và đã bị pháp luật xử lý trong các cuộc gây rối, có mặt và là thành viên chủ chốt, thậm chí là lãnh đạo của tất cả những hội đoàn này. Lên mạng tung hô, tranh cãi... cũng chỉ từng ấy khuôn mặt. 

Đã đến lúc cư dân mạng gỡ những tấm mặt nạ “dân chủ” của những tổ chức ba lăng nhăng này...