Mất mạng do hiếu kỳ... vớ vẩn!

ANTĐ - Thời gian qua, mỗi khi xảy ra bão lũ, nhiều người đã phớt lờ hiểm nguy đến tận nơi xảy ra thiên tai để xem, chụp ảnh và… đưa lên mạng. Hành động này đã khiến không ít cá nhân phải trả giá bằng cả tính mạng.

Mất mạng do hiếu kỳ... vớ vẩn! ảnh 1
Khi xảy ra bão, người dân không nên đến gần khu vực nguy hiểm

Đổ xô xem bão, lũ Qua mấy cơn bão xảy ra gần đây, dư luận không khỏi bất bình trước việc nhiều người dân Hải Phòng đổ xô ra Đồ Sơn xem bão. Trong thời điểm bão đang diễn ra, tại khu 1 và khu 2 của Đồ Sơn, nhiều thanh thiếu niên đã tỏ ra thích thú, phấn khích khi đứng trước ngọn sóng cao hơn 5 mét để chụp ảnh rồi đẩy lên các trang mạng xã hội, phớt lờ nguy hiểm. Đáng buồn hơn là một số gia đình còn chở cả con nhỏ ra sát bờ kè để chụp ảnh và chứng kiến những cơn sóng cao vút hung dữ đổ ập vào bờ và có thể nhấn chìm tất cả bất cứ lúc nào. Sau khi thỏa mãn với màn “xem bão”, khi quay về, thêm một lần nữa, họ phải đối mặt với nguy hiểm do tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên các tuyến đường.  Vào cuối tháng 6, khi cơn bão số 2 đổ bộ xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, chính quyền các địa phương đã phải đưa tàu vận chuyển hàng nghìn khách từ đảo Cô Tô về đất liền. Trong đó, một số hành khách ra đảo chỉ với mục đích trải nghiệm bão ở nơi đầu sóng ngọn gió. Trước đó, không ít người dân ở TP Hồ Chí Minh cũng đã chen nhau đi Cần Giờ để “đón” bão khiến phà Bình Khánh bỗng quá tải. Trước tình trạng này, lãnh đạo thành phố đã phải chỉ đạo hệ thống truyền thông tăng thời lượng tuyên truyền, vận động người dân không đến Cần Giờ xem bão. Và trong cơn bão số 6 vừa qua, vào chiều 7-8, em P.T.S, SN 1997, thường trú ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng đã bị sóng cuốn trôi khi đang cùng bạn ra biển xem bão số 6. Vụ tai nạn xảy ra tại bờ biển khu 1, quận Đồ Sơn. Sau khi biết thông tin bão số 6 sắp đổ bộ vào Hải Phòng, S đã cùng 3 người bạn khác đi xe máy xuống bờ biển Đồ Sơn. Khi cả 4 người đang dừng lại để xem sóng thì S một mình chạy lại sát bờ biển và bị sóng cuốn xuống biển. Gần 17 tiếng sau, xác của nạn nhân xấu số này đã được tìm thấy.  Không chỉ đua nhau đi xem bão, nhiều bạn trẻ còn rủ nhau ra các con sông lớn sau những đợt mưa bão để xem nước dâng cao hay rủ nhau đi phượt ở các tỉnh miền núi vào mùa mưa lũ để được tận mắt thấy lũ dữ dội đến mức nào (?!) Cách đây mấy ngày, một clip của một nhóm các bạn trẻ khi đi phượt được tung lên mạng đã khiến nhiều người xem bị sốc. Trong clip xuất hiện hình ảnh 5 thanh niên khi đang băng qua suối thì bất ngờ lũ tràn về. Dù đã nắm chặt tay nhau nhưng do lũ quá mạnh nên cả 5 người này đã bị cuốn trôi trong sự sững sờ và bất lực của những người đứng hai bên bờ. Hay tại Hà Nội, khu vực bãi đá ven sông Hồng đã được các cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo nguy hiểm sau cái chết thương tâm của một số thanh niên. Tuy vậy, vào mùa mưa bão, vẫn có khá nhiều bạn trẻ tìm đến khu vực này để… dạo chơi, chụp ảnh, thậm chí có bạn còn ra sát mép sông – khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để… tạo dáng chụp ảnh cho đẹp ?!Đừng chết vì bốc đồng  Bình luận về những hành động thiếu suy nghĩ nêu trên, bạn Đào Thanh Huế - sinh viên ĐH Văn hóa cho rằng, tâm lý chung của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nam là thích làm những điều mạo hiểm, khác người. Song mạo hiểm đến mức coi thường sức khỏe, tính mạng của bản thân là điều không chấp nhận được. Thực tế, có không ít bạn vì muốn chứng tỏ bản thân nên đã đẩy mình vào những hoàn cảnh nguy hiểm như leo núi, đi phượt vào mùa lũ, chèo thuyền qua sông mùa nước lên, tìm đến những vùng tâm bão… Hầu hết những bạn trẻ này không có nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị không đầy đủ, họ thường bị động khi gặp những tình huống xấu xảy ra bất ngờ nên khả năng đối phó, thoát hiểm là rất thấp. Huế chia sẻ, “thay vì chết một cách vô nghĩa, nếu như tất cả mọi người cùng có những hành động thiết thực như cứu người, tài sản của người dân trong vùng bị bão lũ, thiên tai thì hay biết mấy”. Với quan điểm tương tự, anh Lê Đình Vũ – nhân viên ngân hàng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trong khi các cơ quan chức năng nỗ lực hết mình để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra thì lại có không ít người phớt lờ cảnh báo, lao vào khu vực nguy hiểm chỉ để thỏa mãn ý thích kỳ quái, bốc đồng của bản thân mình. Chỉ khổ cho gia đình họ và các đơn vị cứu hộ cứu nạn trong lúc căng thẳng nhất lại phải tổ chức ứng cứu, tìm kiếm những con người này khi họ gặp rủi ro. Đành rằng, việc đi xem lũ, chụp ảnh ở tâm bão là quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng khi quyền tự do đó ảnh hưởng đến lợi ích chung thì cần bị lên án. Anh Vũ thẳng thắn: “Tôi cho rằng, ở những khu vực đã được cảnh báo nguy hiểm, nếu cá nhân nào cố tình đi vào khu vực đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc để làm gương”. Giải thích về lý do dẫn đến những hành động nêu trên của một số cá nhân, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, tâm lý hiếu kỳ là một đặc trưng của người Việt. Mỗi chúng ta đã không ít lần chứng kiến cảnh những đám đông quây kín mặt đường chỉ vì một vụ va chạm nhỏ hay việc đội mưa rồng rắn xếp hàng nhiều giờ đồng hồ của các bạn trẻ chỉ đến mua một cốc cà phê mang nhãn hiệu lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam… Sự hiếu kỳ không loại trừ lứa tuổi nào nhưng nó diễn ra phổ biến ở thanh thiếu niên – những người đang có nhu cầu cao trong việc tìm hiểu thế giới xung quanh. Chính sự hiếu kỳ, cộng với sự thích thể hiện sẽ khiến cá nhân có hành động bốc đồng, bất chấp nguy hiểm. Bên cạnh đó, do hiện nay, các mạng xã hội khá phát triển nên nhiều bạn trẻ càng muốn thể hiện mình. Có thể, việc họ sẵn sàng lao vào tâm bão chỉ vì một lý do đơn giản là chụp một tấm ảnh đẹp để “khoe” với mọi người. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp. Qua những thiệt hại không nhỏ về người và tài sản từ những đợt thiên tai vừa qua, hi vọng mỗi người dân đã có được những bài học đắt giá và có ý thức hơn nữa về việc bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của mình.