Mất mà không thấy xót

ANTĐ - Ngày trước chỉ được nghỉ ăn Tết đúng ba ngày. Dăm năm nay, ngày nghỉ cứ tăng dần lên, 5 ngày, một tuần rồi 9 ngày. Vậy mà khối người vẫn cảm thấy chưa đã đời. Có lẽ phải nghỉ Tết cả tháng Giêng thì mới bõ “tháng ăn chơi”.

- Những nước giàu, dân giàu mà họ chẳng hề ham ăn, ham chơi, huống hồ nước nghèo, dân ta còn nghèo mà mải du xuân, triền miên hội hè, nghỉ ngơi tận hưởng ngày rộng tháng dài thì thật ngao ngán.

- Nghe đâu có nhiều doanh nghiệp còn cho nhân viên nghỉ Tết qua cả ngày rằm, thậm chí kéo sang hết tháng Giêng. Họ kéo dài nhịp điệu “tháng ăn chơi” chính là để tiết kiệm chi phí, hạn chế thời gian làm việc vật vờ, chểnh mảng.

- “Độc chiêu” đó kể ra cũng có tác dụng nhưng vẫn không thể trị được “căn bệnh” thâm căn quanh năm làm việc vật vờ. Không hiếm phòng ban cơ quan, cán bộ, công chức bỏ trống cửa công, rủ nhau đi lễ hội, đi “ngoài vòng phủ sóng trong vùng phủ phê”, rồi bia bọt, chè chén…

- Phải nói toẹt ra một thói hư, tật xấu đã hết thuốc chữa ở ta là vừa làm, vừa chơi. Làm không ra làm cho nên chơi cũng chẳng ra chơi, ăn chẳng ra ăn.

- Một nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng, nếu một đời người sống thọ 70 năm thì đã mất đứt 25 năm để ngủ, 6 năm để nghỉ dưỡng và chữa bệnh, 4 năm để ăn uống, 5 năm cho việc đi lại… Chỉ còn độ 12 năm là để làm việc thực sự có hiệu quả.

- Ồ, nếu đối chiếu vào xứ ta thì thời gian làm việc đích thực phải rút ngắn đi nhiều để bù vào việc đốt thời gian trong hội hè, ăn chơi và ty tỷ công việc vô bổ và vô tích sự.

- Điều kỳ quái nhất mà tôi không thể hiểu nổi là, nhiều người đốt thời gian, mất thời gian mà không thấy tiếc, thấy xót ruột.

- Thất thoát, thua lỗ, tham nhũng hàng nghìn tỷ, mất mạng, mất nhân cách, mất danh dự, mất uy tín và nhiều thứ mất khác người ta còn không thấy tiếc, thấy xót xa, thì mất thời gian có là gì. Chẳng qua thời gian chỉ như vốc cát trong lòng bàn tay ri rỉ chảy ra mà chẳng nhìn thấy nên không thấy tiếc.