Mạnh tay với cướp biển
(ANTĐ) - Cuộc chiến chống hải tặc trên Ấn Độ Dương bỗng trở nên nóng bỏng khi lực lượng đặc nhiệm của hải quân Hàn Quốc và Malaysia liên tiếp tấn công giải cứu các tàu bị bắt giữ, còn bọn cướp biển lên tiếng đe doạ tính mạng các con tin Hàn Quốc.
Những tên cướp biển Somalia bị lực lượng đặc nhiệm Malaysia khống chế |
Trong tuyên bố qua điện thoại với hãng tin Anh Reuters ngày 23-1, một tên cướp biển Somalia tự xưng là Mohamed đe doạ rằng bọn chúng xưa nay “không bao giờ giết con tin nhưng từ giờ sẽ giết để trả thù“. Từ Garad, một trong hai sào huyệt lớn nhất của những tên cướp biển Somalia, tên Mohamed khẳng định bọn chúng sẽ “không bao giờ nhận tiền chuộc cho các tàu thuyền của Hàn Quốc” mà chỉ “đốt tàu và giết hết thủy thủ”.
Đe doạ của tên tự xưng là cướp biển Somalia được đưa ra sau khi lực lượng đặc nhiệm của hải quân Hàn Quốc rạng sáng ngày 21-1 đã đột kích giải thoát tàu Sambo Jewelry của Hàn Quốc, vốn bị bọn cướp biển Somalia bắt giữ từ trung tuần tháng 1 trên biển Arab, và 21 con tin thuộc nhiều quốc tịch. Lực lượng hải quân Hàn Quốc đã tiêu diệt 8 tên cướp biển, bắt sống 5 tên khác.
Thành công của cuộc giải cứu con tin được Tổng thống Hàn Quốc ca tụng là “hoàn hảo“ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trước đó vài tiếng đồng hồ, lực lượng đặc nhiệm của hải quân Malaysia cũng tiến hành một cuộc tấn công tương tự chiếc tàu chở dầu MT Bunga Laurel đang ở cách bờ biển Oman khoảng 555 km về phía Đông, giải cứu an toàn 23 thuỷ thủ và bắt giữ 5 tên cướp biển Somalia.
Kể từ khi LHQ thông qua Nghị quyết cho phép tiến hành các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somali cuối năm 2009 cũng như NATO triển khai chiến dịch chống cướp biển mang tên “Lá chắn đại dương”, các lực lượng quốc tế đã nhiều lần tấn công bọn cướp biển. Trong năm 2010, lực lượng hải quân chống cướp biển của Liên minh châu Âu (EU NAVFOR) và hải quân Mỹ đã can thiệp và ngăn chặn kịp thời 120 vụ tấn công cướp tàu của cướp biển Somalia.
Tuy nhiên, hoạt động cướp biển ngoài khơi Somali vẫn không vì thế mà giảm sút. Năm 2010, bon cướp biển đã bắt giữ tổng cộng 1.016 con tin và hiện còn 31 tàu và 713 thuỷ thủ đang nằm trong tay hải tặc Somali trong khi Trung tâm nghiên cứu “One Earth Future Foundation” đặt trụ sở tại Colorado (Mỹ) công bố báo cáo nghiên cứu cho biết nạn cướp biển gây thiệt hại kinh tế thế giới từ 7-12 tỷ USD mỗi năm.
Đó là lý do khiến cộng đồng quốc tế thấy rằng cần phải mạnh tay hơn với cướp biển Somalia. Các cuộc tấn công trước đó của EU NAVFOR, Mỹ hay Nga... và mới nhất là của hải quân Hàn Quốc, Malaysia minh chứng cho quyết tâm đó.
Song nhìn ở góc độ khác cũng thấy có những ý kiến lo ngại rằng các cuộc tấn công này nếu không được tính toán cẩn trọng có thể đe doạ tính mạng con tin. Ông Paddy O‘Kennedy, Người phát ngôn Lực lượng Hải quân EU, nhấn mạnh tới quan điểm cho rằng ưu tiên trước nhất là phải bảo đảm an toàn cho các con tin trên tàu bị bắt cóc.
Hoàng Tuấn