Mạnh tay chống cướp biển

ANTĐ - Cuộc chiến chống cướp biển trên thế giới vừa tiến thêm một bước quan trọng khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết mở ra khuôn khổ pháp lý trừng phạt cả những tên cướp biển lẫn những kẻ đứng đằng sau giật dây, lên kế hoạch.

Bọn cướp biển đang bắt cóc tàu hàng của Ukraine

Theo Nghị quyết do Ấn Độ soạn thảo và được 10 nước thành viên Hội đồng bảo an bảo trợ được thông qua ngày 27-10, cơ quan quyền lực nhất của LHQ yêu cầu truy tố các phần tử cướp biển không chỉ về hành động cướp biển mà cả tội bắt giữ con tin. Hội đồng bảo an cũng yêu cầu truy tố cả kẻ lên kế hoạch, tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cướp biển, cũng như những kẻ tài trợ và được hưởng lợi từ các hoạt động cướp biển.

Khẳng định phạm vi cướp biển đã vượt ra khỏi khu vực bờ biển Somali, tác động đến không chỉ các nước trong khu vực này mà cả các nước ở khu vực khác của thế giới, Nghị quyết của Hội đồng bảo an kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin nhằm tăng cường thực thi luật pháp và truy tố tội phạm cướp biển. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tới khuôn khổ pháp lý quốc tế cho cuộc chiến chống mối đe dọa cướp biển và bắt cóc con tin trên toàn cầu.

Nghị quyết mới nhất của Hội đồng bảo an nhằm tăng cường hiệu quả của việc chống cướp biển được đưa ra trong bối cảnh các hoạt động này vẫn tiếp tục là mối đe doạ lớn tới an ninh hàng hải tại các tuyến vận tải biển huyết mạch trên thế giới. Trong năm 2010, trên các đại dương và biển thế giới đã xảy ra 276 vụ cướp biển và hơn 200 vụ cướp bất thành, tăng hơn 20% so với năm 2009.

Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tổng thiệt hại kinh tế của thế giới do cướp biển gây ra năm 2010 là 12 tỷ USD, trong đó có 238 triệu USD tiền chuộc. Cũng trong năm qua đã có tới 4.185 thủy thủ bị cướp biển tấn công, 1.090 người bị bắt làm con tin và 516 người bị sử dụng làm lá chắn sống, 488 người được cho là đã bị lạm dụng đáng kể về tâm lý hoặc thể chất.

Một điều đáng lo ngại khác là cướp biển không chỉ diễn ra ở khu vực phía Đông châu Phi ngoài khơi Somali, vịnh Aden... mà đang có xu hướng gia tăng mạnh tại khu vực Tây Phi. Trung tâm theo dõi cướp biển quốc tế (IMB) cảnh báo, cướp biển hoạt động ngày càng liều lĩnh và manh động với việc ngày càng có nhiều nhóm cướp biển sử dụng các tàu cao tốc, trang thiết bị vũ khí hiện đại trong các cuộc tấn công táo tợn.

Các hoạt động cướp biển vẫn hoành hành khi mà cộng đồng quốc tế, Hội đồng bảo an LHQ đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn. Trong đó Hội đồng bảo an đã thông qua một Nghị quyết cho phép các nước và các tổ chức khu vực được phép vào lãnh hải Somali và sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để chống cướp biển như triển khai các tàu hải quân, máy bay quân sự... để bắt giữ các tàu, vũ khí và các thiết bị của bọn cướp biển. Nhiều nước đã cử tàu hải quân đến khu vực hay xảy ra cướp biển để tiến hành tuần tra, giải cứu trong trường hợp xảy ra cướp biển.

Quyết ngăn chặn bằng được cướp biển, Hội đồng bảo an nhấn mạnh tới việc cần nhanh chóng thiết lập các toà án chuyên về chống cướp biển ở Somali và các nước khác trong khu vực. Đồng thời, yêu cầu các nước chưa hình sự hoá tội phạm cướp biển trong luật quốc gia cần nhanh chóng triển khai các phương pháp truy tố loại tội phạm này.