Mang tiền cho bạn mượn để đánh bạc có phải là đồng phạm?

ANTD.VN - Vũ Quốc H (SN 1983), Huỳnh Văn A (SN 1985), Phan Anh T (SN 1981) và Trần Vũ K (SN 1983) rủ nhau chơi bài (tú-lơ-khơ) ăn tiền tại nhà của H. Do bị thua hết tiền, nên A gọi điện thoại cho bạn là Đinh Ngọc B (SN 1985) mang tiền đến cho A mượn, tiếp tục chơi bài. Khoảng 15 phút sau thì B đi xe máy tới nhà H, mang theo 8.000.000 đồng để đưa cho A mượn. Khi tất cả đang chơi thì bất ngờ bị công an ập vào bắt quả tang, đưa tất cả về trụ sở để lập biên bản về việc đánh bài, trong đó có cả Đinh Ngọc B. Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Đinh Ngọc B có đồng phạm với với H, A, T và K về tội đánh bạc không?

Mang tiền cho bạn mượn để đánh bạc có phải là đồng phạm? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Đồng phạm về tội đánh bạc

Trong vụ việc này Đinh Ngọc B đã đồng phạm với H, A, T và K về tội đánh bạc. Bởi lẽ, sau khi đánh bạc bị thua hết tiền A đã gọi điện thoại cho B mang tiền đến cho A mượn để tiếp tục chơi bài. Như vậy B đã có hành vi tiếp tay cho A khi mang tiền cho A mượn. Sau khi nhận được tiền do B đưa, A tiếp tục dùng số tiền này vào việc chơi bài ăn tiền. Do đó, theo tôi B phải bị truy tố và xét xử về tội đánh bạc theo Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò là người giúp sức.

Nguyễn Thị Nga (Đông Triều - Quảng Ninh)

Đinh Ngọc B không phạm tội 

Để đánh giá một hành vi là có tội hay không có tội thì theo tôi trước hết phải đánh giá xem hành vi đó có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội theo quy định Bộ luật Hình sự hay không. Theo đó, xét về bản chất, hành vi của Đinh Ngọc B mang tiền đến cho Huỳnh Văn A mượn là theo mối quan hệ bạn bè của B và A mà không có bất kỳ hành vi nào khác chứng tỏ B có tham gia vào việc đánh bài ăn tiền, cũng như có hành vi nào có vai trò giúp sức trong việc đánh bài của A. Tôi cho rằng, đánh giá một hành vi có phạm tội hay không cần phải đánh giá đúng bản chất của hành vi đó. Vì vậy, trong trường hợp này, Đinh Ngọc B không phạm tội.

Hà Quốc Quang (Chí Linh - Hải Dương)

Chỉ là giao dịch dân sự

Trong vụ việc này, tôi cho rằng hành vi của Đinh Ngọc B khi mang tiền cho Huỳnh Văn A mượn chỉ có thể coi là một giao dịch dân sự thông thường. Để chứng minh B phạm tội đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức thì phải chứng minh được hành vi của B trong vụ án này có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với hành vi đánh bạc của A. Hay nói cách khác là B biết rõ A vay tiền để đánh bạc và B phải có sự thoả thuận, hứa hẹn với A về lợi nhuận sẽ được chia sẻ khi cho A vay tiền đánh bạc. Do đó, theo nguyên tắc có lợi thì tôi cho rằng trong trường hợp này B không có tội.

Phạm Văn Ánh (Lộc Ninh - Bình Phước)

Bình luận của luật sư

Theo quy định tại Điều 19, Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Thứ nhất, đồng phạm phải có ít nhất từ hai người trở lên (tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm), có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm như về năng lực trách nhiệm hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, đồng phạm là gồm nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, hành vi phạm tội của mỗi người là cố ý và có sự liên quan, phối hợp chặt chẽ với nhau mà không hề tách rời nhau. Nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.

Theo Điều 8, Bộ luật Hình sự năm 2015: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con  người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Về mặt lý luận, khoa học luật hình sự và thực tiễn pháp lý, để đánh giá một hành vi có phải là tội phạm hay không thì hành vi đó phải thoả mãn các yếu tố: Phải gây nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có yếu tố lỗi và phải xâm phạm quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Như vậy, trong vụ việc này có thể thấy để có thể chứng minh có hay không có tội phạm xảy ra, Đinh Ngọc B có là đồng phạm trong tội đánh bạc với vai trò là “người giúp sức” cho Huỳnh Văn A thực hiện hành vi phạm tội hay không thì cần phải chứng minh được hành vi của B trong vụ án này có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với hành vi đánh bạc của A? Chứng minh được việc có hay không A đã gọi điện thoại thỏa thuận và hứa hẹn với B và B đã đồng ý với A như thế nào thì mới có căn cứ để cho rằng Đinh Ngọc B (cùng Vũ Quốc H, Huỳnh Văn A, Phan Anh T và Trần Vũ K) phạm tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong vụ việc này, về hành vi của Đinh Ngọc B chúng ta thấy rằng, Vũ Quốc H, Huỳnh Văn A, Phan Anh T và Trần Vũ K rủ nhau chơi bài (tú lơ khơ) ăn tiền tại nhà của H. Khi bị thua hết tiền, A đã gọi điện thoại cho Đinh Ngọc B để: “nhờ B mang tiền đến cho A mượn”. Trong cuộc trò chuyện (cuộc gọi điện thoại) mà A gọi cho B, ngoài việc thể hiện đơn giản rằng: “Nhờ B mang tiền đến cho A mượn”, thì A không nói với B về những nội dung, vấn đề gì khác. Giả sử, nếu khi A gọi điện thoại cho B, ngoài việc có nói với B mang tiền đến cho A mượn, thì A còn nói thêm với B về những nội dung khác như: B mượn tiền để đánh bài ăn tiền; A “lôi kéo” B cùng chơi bài ăn tiền với mình bằng việc A nói: B không phải trực tiếp đánh bài ăn tiền, mà B chỉ góp chung (chung chi) với A (A trực tiếp đánh) để cùng hưởng số tiền đánh thắng được và ăn chia theo tỷ lệ nào đó… Để rồi, khi nghe B nói như vậy thì A đã đồng ý, tiếp nhận ý chí của B, mang tiền đến cho A mượn; thì dù B không trực tiếp tham gia đánh bài cùng nhóm của A, nhưng B đã “ngẫu nhiên” trực tiếp “giúp sức” cho A (tạo điều kiện vật chất - mang cho A mượn 8.000.000 đồng) tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội “đánh bạc”, sau khi A đã đánh hết tiền. Nếu đúng như vậy thì Đinh Ngọc B phải bị truy tố và xét xử về tội đánh bạc với vai trò là “người giúp sức” là hoàn toàn chính xác. Nhưng ở đây, tuyệt nhiên chúng ta không thấy A có bất cứ lời nói, hay hành động nào khác với B, ngoài việc khi A gọi B mang tiền đến cho A mượn, khoảng 15 phút sau thì B đi xe máy tới nhà H. Việc B mang tiền đến cho A mượn rõ ràng đã thể hiện là quan hệ dân sự vay mượn tài sản (tiền) giữa B và A, chứ B hoàn toàn không biết (và cũng không buộc B phải biết) A vay tiền để tiếp tục đánh bạc.

Từ lý luận khoa học luật hình sự và thực tiễn pháp lý (về tội phạm và đồng phạm) cũng như việc B mang tiền đến cho A vay mượn (vì A đã gọi điện thoại cho B) mà chúng ta đã tìm hiểu phân tích ở trên, có cơ sở rõ ràng để khẳng định rằng: Hành vi của Đinh Ngọc B không phải là tội phạm, cũng như B không đồng phạm với vai trò là người giúp sức (giúp A) trong vụ án “đánh bạc” này (vì theo quy định nói trên của Bộ luật Hình sự về chế định đồng phạm có hai loại: Đồng phạm đơn giản là trường hợp những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Đồng phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện một tội phạm….). Do đó, chúng tôi cho rằng trong vụ việc này, không có cơ sở để truy tố Đinh Ngọc B phạm tội đánh bạc quy định tại Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò đồng phạm giúp sức. 

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)

Điều 17, Bộ luật Hình sự năm 2015: Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.