“Mầm họa” từ nhà nghỉ

(ANTĐ) - 7 ngày đầu tiên của tháng 9, địa bàn Hà Nội ghi nhận hiện tượng đáng lo ngại: có đến 5 vụ việc liên quan đến các hành vi tự tử, giao cấu với trẻ em, giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người diễn ra trong các nhà nghỉ. Đã đến lúc, các lực lượng chức năng không thể thờ ơ, buông lỏng trước kiểu kinh doanh “tận thu” của nhà nghỉ.

“Mầm họa” từ nhà nghỉ

(ANTĐ) - 7 ngày đầu tiên của tháng 9, địa bàn Hà Nội ghi nhận hiện tượng đáng lo ngại: có đến 5 vụ việc liên quan đến các hành vi tự tử, giao cấu với trẻ em, giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người diễn ra trong các nhà nghỉ. Đã đến lúc, các lực lượng chức năng không thể thờ ơ, buông lỏng trước kiểu kinh doanh “tận thu” của nhà nghỉ.

Nhà nghỉ thường tiềm ẩn phức tạp do ý thức kém của người kinh doanh (ảnh minh họa)
Nhà nghỉ thường tiềm ẩn phức tạp do ý thức kém của người kinh doanh (ảnh minh họa)

Chậm phát hiện, khó xác minh

Có lẽ đến thời điểm này, cái tên “Nguyễn Khắc Chung, nhà ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên” vẫn là nỗi ám ảnh với cơ quan chức năng và một số nhà nghỉ ở Hà Nội. Chung được xem là nghi can số một trong vụ sát hại cô gái 14 tuổi ở nhà nghỉ L, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Không ai biết đích xác thời gian thủ ác của Chung; chỉ biết y cùng bị hại thuê nhà nghỉ từ đêm 2-9 và đến chiều muộn 3-9, khi Chung đã rời nhà nghỉ từ sáng sớm hôm đó, cái chết của cô gái trẻ mới được nhân viên nhà nghỉ L phát hiện.

Chưa hết, kể từ khi vụ án mạng tại nhà nghỉ L được phát hiện, Nguyễn Khắc Chung mất tăm, không liên lạc với bất cứ ai. Mãi đến chiều 7-9, tung tích của Chung mới được xác định. Chỉ có điều, khi đó Chung đã chết bằng cách treo cổ tự tử. Địa điểm Chung chọn để từ giã cuộc đời cũng là một nhà nghỉ ở đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm. Nhiều thông tin cho thấy, Chung đã thuê nhà nghỉ trên từ tối 4-9 và có thể ngay trong ngày hôm đó, Chung đã tự tìm đến cái chết. Một điểm chung của 2 vụ việc trên và cũng là sai phạm từ phía nhà nghỉ, đó là không lưu lại giấy tờ tùy thân của Chung cũng như cô gái 14 tuổi. Chính vì vậy từ khi phát hiện ra những cái chết trong nhà nghỉ, đến lúc xác minh nhân thân của người đã chết, cơ quan chức năng đã phải mất rất nhiều thời gian.

4 đối tượng này đã vào và phạm pháp trong nhà nghỉ mà không bị phát hiện, ngăn cản

 4 đối tượng này đã vào và phạm pháp trong nhà nghỉ mà không bị phát hiện, ngăn cản

Cùng thời điểm xảy ra vụ án mạng tại nhà nghỉ L, quận Long Biên, CAP Yên Sở và Đội Điều tra hình sự - CAQ Hoàng Mai cũng gặp phải tình huống… khó tương tự. Chiều 4-9, lực lượng công an nhận được thông báo về cái chết của một phụ nữ tại một nhà nghỉ ở đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai. Khi đến hiện trường, thông tin duy nhất mà lực lượng công an nắm được là trước đó, nạn nhân đã vào nhà nghỉ này cùng một người đàn ông.

Cả bị hại lẫn người đàn ông đều không có giấy tờ tùy thân. Thế nhưng do đã quen với những mối quan hệ “bất thường” kiểu này nên nhân viên nhà nghỉ vẫn nhiệt tình bố trí phòng cho khách. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định người phụ nữ tử vong do vết thương ở vùng đầu và mắt. Do nhà nghỉ không chấp hành quy định đăng ký khách tạm trú nên việc xác định tung tích nạn nhân cũng như người đàn ông cùng đi gặp rất nhiều khó khăn. Liên tục rà soát trong 2 ngày 2 đêm, lực lượng công an mới xác minh ra nhân thân bị hại là chị Phạm Thị H (SN 1972), quê Nam Định. Và đêm 6-9, các trinh sát mới tìm, bắt được đối tượng gây ra cái chết của chị H.

Không xử lý nghiêm sẽ càng phức tạp

Quy định, nguyên tắc bất di bất dịch đối với chủ nhà nghỉ, nhân viên lễ tân nhà nghỉ là phải yêu cầu khách trọ xuất trình giấy tờ tùy thân. Thế nhưng thực tế việc vi phạm quy định này đang diễn ra phổ biến ở nhiều nhà nghỉ. Theo ghi nhận của chúng tôi, các nhà nghỉ ở 5 vụ việc xảy ra trong tuần đầu tiên của tháng 9 đều vi phạm quy định đối với khách lưu trú. Trong số này, trường hợp vi phạm đáng trách nhất là nhà nghỉ Khánh Linh ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.

Tối 2-9, cháu Hoàng Thị M, 13 tuổi, nhà ở huyện Chương Mỹ, đã vào nhà nghỉ trên cùng 4 đối tượng con trai (cả 4 đứa đều trong độ tuổi 9X). Tại đây, cả 4 đối tượng đã lần lượt quan hệ tình dục với cháu M, thậm chí, chúng còn dùng điện thoại di động để quay lại “quá trình” này. Suốt đêm 2-9 đến sáng 3-9, hành vi của 4 đối tượng này với cháu M diễn ra một cách “an toàn”, rồi mạnh ai nấy bỏ về nhà. Sự việc chỉ vỡ lở khi bố mẹ cháu M phát hiện biểu hiện bất thường của con gái. 4 đối tượng quan hệ tình dục với cháu M bị CAH Chương Mỹ bắt sau đó, khi đang đi chơi tại một siêu thị trên địa bàn huyện.

Qua vụ việc này, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Nạn nhân có lỗi là một phần, bởi cô bé đã đồng tình vào nhà nghỉ và quan hệ tình dục cùng 4 đối tượng. Tuy nhiên, một lỗi quan trọng phải “tính” đến là trách nhiệm của nhân viên lễ tân và quản lý nhà nghỉ Khánh Linh.

Việc một nhóm nam nữ còn ít tuổi ra vào nhà nghỉ, không có giấy tờ tùy thân và thuê phòng ngủ cùng nhau là rất khó chấp nhận, nhưng nhà nghỉ này vẫn “nhắm mắt cho qua”. Nếu nhân viên nhà nghỉ thực hiện đúng quy định của pháp luật, yêu cầu và kiểm tra chứng minh nhân dân của khách thuê phòng, thì rất có thể sự việc đáng tiếc trên đã không xảy ra.

Lâu nay, nhiều nhà nghỉ bỏ qua quy trình ghi lại thông tin nhân thân khách thuê phòng với lý do: “Khách không muốn xuất trình giấy tờ tùy thân”. Nhà nghỉ có quyền từ chối những vị khách đó, nhưng họ không làm, bởi sẵn sàng có những nhà nghỉ khác đáp ứng ý muốn “giấu nhân thân” của khách.

Vi phạm bị phát hiện, bị xử lý, nhưng nhà nghỉ vẫn sẵn sàng… tái phạm, vì lợi nhuận. Cơ quan chức năng biết rõ điều này, nhưng hoặc là bỏ qua, hoặc kiểm tra, xử lý không xuể. Chỉ đến khi những vụ việc phức tạp xảy ra, lỗi của nhà nghỉ mới bị “sờ” đến. Chấn chỉnh ý thức của chủ các nhà nghỉ, muốn hiệu quả nhất công tác kiểm tra phải thường xuyên và lực lượng chức năng phải xử lý kiên quyết. Thực tế ở nhiều địa bàn cho thấy, công tác này đang bị xem nhẹ, được thực hiện qua loa, chưa tròn trách nhiệm!

Hoàng Quân