Malaysia phản đối nhà máy xử lý đất hiếm

ANTĐ - Ngày 9-10, hàng nghìn người Malaysia đã tập trung biểu tình phản đối kế hoạch mở nhà máy xử lý đất hiếm tại thành phố nghỉ mát Kuantan, thuộc bang Pahang ở miền Đông nước này, do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường.

Người dân Malaysia biểu tình phản đối nhà máy của Lynas


Những lo ngại chính đáng

Những người biểu tình, phần lớn là người dân địa phương ở Kuantan  và đại diện các tổ chức phi chính phủ tụ tập tại công viên ở Kuantan vào lúc 6h sáng để phản đối kế hoạch xây dựng nhà máy đất hiếm do công ty Lynas Malaysia Sdn Bhd, công ty con của Lynas Corporation (Australia) đầu tư. Những người biểu tình đã giương khẩu hiệu, biểu ngữ chống hạt nhân và kêu gọi chính phủ hành động để bảo vệ người dân. “Chúng tôi đáng được hưởng một môi trường lành mạnh cho thế hệ tương lai của chúng tôi. Chính phủ không thể xây dựng bất cứ cái gì dưới danh nghĩa đầu tư phát triển” - một người dân tham gia phản đối nói.

Trong khi đó, Công ty Lynas khẳng định nhà máy cung cấp đất hiếm này sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào và tất cả chất thải từ nhà máy sẽ được bảo quản nghiêm ngặt để tránh rò rỉ. Nhà máy xử lý đất hiếm trị giá 230 triệu USD này dự kiến sẽ kết thúc giai đoạn xây dựng đầu tiên và sẽ tinh chế quặng phóng xạ mức độ nhỏ được chuyển đến từ một mỏ nằm sâu trong vùng sa mạc của Australia để sử dụng cho các sản phẩm công nghệ cao, từ iPods cho đến tên lửa, trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, trước sức ép của người dân và cảnh báo của các nhà môi trường và đảng đối lập về việc nhà máy này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân địa phương và ô nhiễm môi trường, Chính phủ Malaysia đã yêu cầu Lynas phải thực hiện các biện pháp an toàn theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước khi xây dựng nhà máy. Công ty Lynas cũng đã cam kết đáp ứng tất cả các yêu cầu và mời các chuyên gia của IAEA tới đánh giá.

Sức ép từ thị trường

Trung Quốc, quốc gia chiếm tới 95% nguồn cung đất hiếm cho thế giới gần đây đã truy quét các cơ sở khai thác bất hợp pháp và đang nỗ lực giảm thiểu tác hại môi trường đã khiến tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này bị cắt giảm tới 35% và còn cao hơn nữa. Điều này đã gây ra tình trạng khan hiếm đất hiếm trên thế giới. Theo tờ New York Times, giá bóng đèn huỳnh quang ở Mỹ đã tăng thêm 37% trong năm nay do tình trạng khan hiếm các nguyên tố như Yttrium, Europium và Terbium - những nguyên tố có trong đất hiếm được tinh chế và xử lý để sản xuất đèn huỳnh quang. Đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như điện thoại di động, máy tính, các sản phẩm máy tính bảng cũng như động cơ điện, và các công ty sản xuất sản phẩm này sẽ bị tổn thất tài chính khi phụ thuộc vào việc mua giá đất hiếm của Trung Quốc với giá cao.

Tuy nhiên, việc khai thác và xử lý đất hiếm là rất tốn kém và khó thân thiện với môi trường. Ngay cả các quốc gia có nguồn mỏ quặng đất hiếm cũng không hào hứng với việc mở nhà máy xử lý loại khoáng sản nguy hiểm này trên lãnh thổ của mình. Theo các nhà khoa học, việc tinh chế quặng đất hiếm sẽ để lại đằng sau nó hàng nghìn tấn chất thải phóng xạ mức thấp. Việc xử lý sẽ tạo ra một lượng nước thải lớn, đồng thời sử dụng nguồn năng lượng lớn, sử dụng vật liệu độc hại trong quá trình lọc đất hiếm có thể sản sinh ra lượng phóng xạ tồn tại hàng trăm năm. Trước đây, Mỹ cũng đã từng đóng cửa một mỏ khai thác đất hiếm ở sa mạc Mokava, California do cái giá phải trả cho môi trường.

Và Malayia cũng không phải chưa có tiền lệ về việc này. Những năm 1980, Công ty Mitsubishi (Nhật Bản) đã xây dựng một nhà máy hóa chất ở khu vực Bukit Merah, phía tây Ipoh. Trong suốt hai thập kỷ qua, cả Mitsubishi và Malaysia đều phải trả giá về những cái chết của công nhân vì bệnh máu trắng và chi phí làm sạch môi trường chưa dừng ở con số 99,2 triệu USD.