
Doanh nhân làm thuê cho mafia
Rất đông khách du lịch tìm đến con phố nhỏ Via dei Pastini ở Rome để thưởng thức các nhà hàng độc đáo. Ba trong số các nhà hàng ở đây, trong đó có II Barroccio do Gianfranco Romeo đứng tên sở hữu bị khám xét vì bị nghi ngờ là nơi rửa tiền của ‘Ndrangheta. Theo Ủy ban chống mafia thuộc Quốc hội Italy, ‘Ndrangheta là hệ thống mafia giàu nhất và mạnh nhất ở Italy. Hiện tại, ngoài việc hoạt động mạnh ở miền Nam và miền Trung Italy, chúng nắm khoảng 80% thị trường ma túy ở châu Âu và có các chân rết ở nhiều nước trong đó có Đức, Canada và Australia.
Lý do Gianfranco Romeo bị liệt vào danh sách đen là bởi các điều tra viên đã phát hiện ra Romeo có dính líu đến Salvatore Lania, người bị bắt hồi đầu tháng 3-2015 với cáo buộc đã đóng vai trò làm người trung gian rửa tiền bẩn cho mafia ‘Ndrangheta trong các hoạt động kinh doanh của mình. Mắt xích của đường dây này được xem là bắt đầu từ vụ tịch thu tài sản đình đám nhất từ trước đến nay xảy ra vào năm 2009 đối với nhà hàng Cafe de Paris trên phố Via Veneto. Đứng tên sở hữu quán cà phê là một thợ cắt tóc có thu nhập khiêm tốn, đến từ một ngôi làng nhỏ ở vùng núi Aspromonte của Calabria - thành trì của ‘Ndrangheta.
Theo tài liệu của tòa án liên quan đến các vụ tịch thu tài sản trên phố Via dei Pastini, Lania bị tố cáo đã đóng vai trò làm người trung gian rửa tiền bẩn cho mafia trong các hoạt động kinh doanh của mình. Trước đó, hai nhà hàng nổi tiếng khác do Lania làm chủ cũng ở trung tâm Rome là “Il Faciolaro” và “La Rotonda”, có tổng trị giá lên tới 10 triệu euro cũng đã bị khám xét và thu giữ vì lý do trên. Trong khi đó Romeo được nhận dạng là đối tác “ẩn” trong việc điều hành Er Faciolaro nhưng cổ phiếu của anh ta lại mang tên một người anh rể. Biên bản tịch thu nhà hàng cũng ghi Romeo “là người làm công và thay mặt Salvatore Lania điều hành các hoạt động kinh doanh”.
Mua 10 cơ sở kinh doanh trong một ngày
Những vụ thu giữ, điều tra như thế này đã gióng lên một hồi chuông báo động về việc ‘Ndrangheta và các hệ thống mafia khác của Italy như Camorra và Cosa Nostra đã “rửa” hàng trăm triệu euro vào các bất động sản cũng như những dịch vụ du lịch, ẩm thực và văn hóa ở Thủ đô Rome. Các nhà hàng và quán cà phê bị điều tra vẫn hoạt động bình thường. Nhiều trong số này nằm gần các địa danh nổi tiếng như đài phun nước Trevi Fountain hay Piazza Navona. Các công tố viên cho biết ‘Ndrangheta đã mua lại một khách sạn mà trước đó từng là tu viện đúng vào năm 2000, thời điểm có hàng triệu người hành hương về Rome. “Mỗi ngày chúng tôi có thể tịch thu đến 10 cơ sở kinh doanh”, công tố viên Michele Prestipino cho biết. “Và chúng (mafia) cũng có thể mua 10 cơ sở kinh doanh khác chỉ trong một ngày”.
Một điều tra mới nhất của Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) cho biết, hiện có ít nhất 5.000 nhà hàng lớn nhỏ trong cả nước Italy đang do các tổ chức tội phạm kiểm soát. Theo tổ chức này, mỗi năm, mafia có doanh thu tới 15,4 tỷ euro nhờ các hoạt động liên quan đến các nhà hàng ở nước này. Việc rửa tiền được tiến hành qua một số kênh tài chính tinh vi khiến các điều tra viên khó tìm ra dấu vết. Để đánh hơi những kẻ trung gian trong chu trình này, các kế toán viên cùng nhiều chuyên gia tài chính khác trong đội phòng chống tội phạm có tổ chức thuộc cơ quan thuế của Italy phải rà soát rất kỹ hợp đồng mua bán và cho thuê bất động sản, đối chiếu với ngành nghề và thu nhập được khai trên văn bản thống kê thuế.
Alfonso Sabella, từng đấu tranh chống lại tổ chức mafia Cosa Nostra ở Sicilia kêu gọi Rome thiết lập một cơ chế giúp phát hiện những hiện tượng bất thường như thay đổi thường xuyên về quyền sở hữu. Mới đây, Sabella được giao trọng trách là “cố vấn hợp pháp” đầu tiên của Rome giúp Tòa thị chính xóa bỏ tham nhũng và ngăn chặn mafia thâm nhập vào cơ cấu kinh tế của thành phố này.